Sóc Trăng chú trọng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác

Năm 2022, tỉnh Sóc Trăng có tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,71%; Xuất khẩu hàng hóa đạt 1 tỷ 400 triệu USD, tăng 8,61% so cùng kỳ. Những mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh như: Thủy sản đạt 1 tỷ 50 triệu USD (tăng 6,49%), gạo đạt 250 triệu USD (tăng 17,37%), hàng may mặc khoảng 80 triệu USD (tăng 33,3%). Kết quả đó có nguyên nhân từ chủ trương chú trọng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác.

Sóc Trăng chú trọng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác

Tăng trưởng mạnh cả 3 lĩnh vực

Báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2022, tỉnh tiếp và làm việc với 150 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh, qua đó tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án (2 dự án trong khu công nghiệp, 6 dự án ngoài khu công nghiệp). Trong đó, 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.434 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sóc Trăng đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 với chủ đề “Đồng hành - Hợp tác - Phát triển” nhân sự kiện kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, với sự tham dự của hơn 800 đại biểu. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo nhiều Bộ, ngành Trung ương, đại biểu nước ngoài, các tỉnh, thành bạn và tổ chức, doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đăng ký 12.078 tỷ đồng, đồng thời đã ký kết 18 bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư, với tổng vốn đầu tư các dự án là 212.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Công nghiệp, thương mại, năng lượng, giao thông, xây dựng, đô thị, logistics, chuyển đổi số… Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận 11/18 nhà đầu tư tham gia ký bản ghi nhớ có đề xuất dự án cụ thể.

Để tăng cường thu hút đầu tư, UBND tỉnh Sóc Trăng thường xuyên chỉ đạo không ngừng thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Từ đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức họp mặt - đối thoại doanh nghiệp; Thường xuyên họp mặt doanh nghiệp để nắm tình hình hoạt động và lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Sóc Trăng chú trọng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác

Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay tỉnh đã giải quyết 100% các phản ánh, kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp trong buổi họp mặt đầu năm. Trong năm, tỉnh đã hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký đầu tư cho hơn 600 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và trực tuyến, từ xa bằng các ứng dụng như: Ultraviewer, Zalo, điện thoại di động.

Từ đó, tình hình đăng ký doanh nghiệp của tỉnh trong năm 2022 có nhiều khởi sắc, phục hồi tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Theo thống kê của tỉnh, trong 10 tháng năm 2022, số đăng ký thành lập mới là 395 doanh nghiệp (tăng 29,5% so cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký 2.310 tỷ đồng (tăng 13,23%). Ước tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 500 doanh nghiệp thành lập mới; Số quay trở lại hoạt động là 75 doanh nghiệp (tăng 41,5%).

Về kinh tế hợp tác, ước tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh thành lập mới 25 hợp tác xã, nâng tổng số toàn tỉnh có 228 hợp tác xã (tăng 5 hợp tác xã so với cuối năm 2021) với tổng số 34.530 thành viên và tổng vốn hoạt động ước đạt 1.420.368 triệu đồng (tăng 150.299 triệu đồng so với cuối năm 2021). Trong đó, 205 hợp tác xã nông nghiệp - thủy sản với 15.682 thành viên và tổng vốn hoạt động là 160.705 triệu đồng; Có 1.300 tổ hợp tác với 31.000 thành viên, trong đó có 1.275 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chỉ số cải cách hành chính đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long

Phát triển kinh tế luôn gắn chặt với cải cách hành chính, điều này thấy rõ ở tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, Chỉ số cải cách hành chính nước ta mới công bố kết quả của năm 2021, trong đó, Sóc Trăng đạt 87,54 điểm, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước và thứ 1 trong 13 tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) Sóc Trăng đạt 89,51%, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước và thứ nhất trong 13 tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sóc Trăng chú trọng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác
Một góc thành phố Sóc Trăng

Một nội dung lớn trong cải cách hành chính mà nước ta đang tập trung phát triển là công tác chuyển đổi số, tỉnh Sóc Trăng cũng đạt được kết quả cao. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng đạt 90%; cấp huyện đạt 60%; cấp xã đạt 40%.

Thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, truyền hình có sự tăng trưởng và phát triển, doanh thu tăng mạnh so cùng kỳ.

Trong năm, Sóc Trăng luôn quan tâm việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, an toàn, an ninh thông tin mạng, đảm bảo đủ năng lực cho việc triển khai kiến trúc chính quyền điện tử, phục vụ quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số và đô thị thông minh. Từ đó, tạo động lực phát triển các ngành dịch vụ khác, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh.

Thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Sóc Trăng đã đăng ký Bộ Công an 508 tài khoản của các sở, ban, ngành, địa phương để kết nối đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tỉnh cũng thường xuyên tăng cường công tác làm sạch dữ liệu, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; Tiến hành thu nhận hồ sơ Căn cước công dân gắn chíp 1.099.512 trường hợp, cấp 48.252 tài khoản định danh điện tử. Từ đó, kích hoạt phần mềm VNeID có tích hợp các thông tin, dịch vụ y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, hoạt động ngân hàng, tố giác tội phạm... để công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Sóc Trăng chú trọng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác

Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp năm 2023

Kết quả của năm 2022 tạo sự phấn khởi và niềm tin cho Sóc Trăng bước vào năm 2013 với kỳ vọng phát triển mạnh hơn nữa. Trong tổng kết năm cũ và đề ra phương hướng cho năm mới, Sóc Trăng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, thiết thực có giá trị đòn bẩy phát triển lan tỏa. Đó là tập trung ưu tiên các công việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Phấn đấu đủ điều kiện khởi công trước ngày 30/6/2023. Dự án này Sóc Trăng chờ đợi đã lâu, khi hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Tiếp theo, Sóc Trăng quan tâm công tác quy hoạch, định hình khung kiến trúc phát triển của tỉnh với tinh thần là quy hoạch có tính bền vững, lâu dài, tầm nhìn xa và quản lý phát triển theo đúng quy hoạch. Trong đó, tỉnh hoàn thành, triển khai quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng bộ với các quy hoạch khác; Đặc biệt là các quy hoạch có liên quan đến cảng nước sâu Trần Đề, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị.

Tỉnh Sóc Trăng cũng tích cực phối hợp hoàn thành quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quan tâm công tác quản lý, cấp phép theo quy hoạch.

Công tác chuyển đổi số được tỉnh Sóc Trăng đặt thành một nhiệm vụ trọng tâm trong năm mới, từng bước ứng dụng, phát triển mạnh công nghệ số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và lĩnh vực mới trên địa bàn tỉnh. Giải pháp cho năm 2023, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác.

Về thu hút đầu tư, báo cáo của UBND tỉnh nhấn mạnh: “Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng của tỉnh đó là: Cảng biển nước sâu, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; Sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Phát huy tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo”.

Đặc biệt, Sóc Trăng chú trọng xúc tiến đầu tư “tại chỗ”. Đó là “thông qua việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn, đặc biệt đối với các dự án gắn với giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép xây dựng; Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu, qua đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư mới; Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, cấp phép ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, bảo vệ môi trường để tăng tính cạnh tranh, tăng tốc độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế tỉnh Sóc Trăng”.

Lượt xem: 6
Tác giả: Thái Đào
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...