Hà Nội: Làng hương Quảng Phú Cầu tất bật những ngày cuối năm

Những ngày cuối năm là lúc việc buôn bán giao thương ở làng hương Quảng Phú Cầu huyện Ứng Hòa, Hà Nội được đẩy mạnh. Người dân của làng hối hả chuẩn bị hương tết để phân phối đi khắp các tỉnh thành, mùi hương thơm ngào ngạt khắp xóm làng. Du khách khắp nơi cũng tìm về chụp ảnh rất đông.

Lưu giữ nghề truyền thống

Xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội nằm cách trung tâm thành phố khoảng 30km từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm tăm hương. Trên khắp các nẻo đường dẫn vào các thôn xóm, rất dễ để bắt gặp những hộ gia đình, những xưởng sản xuất tăm hương vừa và nhỏ. Những bó hương rực sắc đỏ, sắc hồng được bà con phơi dọc đường làng, bờ kênh đến bãi đất trống...

Hà Nội: Làng hương Quảng Phú Cầu tất bật những ngày cuối năm - Ảnh 1.

Những "Đóa chân hương" rực rỡ khoe sắc bên bờ mương

Nghề làm tăm hương đã có mặt ở xã Quảng Phú Cầu hàng trăm năm nay, được lưu truyền từ đời này qua đời khác như một nghề truyền thống, một nét đẹp của làng.

Ông Long - chủ xưởng sản xuất tăm hương trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu - cho hay: “Đời tôi làm nghề tăm hương đến nay đã được hơn 40 năm rồi, chưa kể đến đời cha ông tôi. Tôi được tiếp xúc với nghề làm tăm hương từ những ngày còn bé nên tôi muốn lưu giữ và phát triển nghề làm tăm hương cho những thế hệ mai sau của làng. Như vậy, con cháu chúng tôi sẽ vừa có công việc làm kiếm thu nhập lại vừa không phải đi xa gia đình.”

Hà Nội: Làng hương Quảng Phú Cầu tất bật những ngày cuối năm - Ảnh 2.

Người dân miệt mài bó và phơi chân hương

Theo ông Long, ở làng ít người làm hương thành phẩm mà chủ yếu là làm tăm hương, chân hương với các công đoạn như vót tăm, nhuộm chân còn để se bột hương thì phải làm xưởng nhà khác. Nguyên liệu chủ yếu để làm chân hương chủ yếu là tre, vầu. Việc làm chân hương bây giờ không còn vất vả như trước nữa vì có sự giúp đỡ của máy móc nhiều, chân hương được tạo ra đều và đẹp, không bị hao hụt nguyên liệu nhiều.

“Làm nghề này nhiều lúc cũng vất vả lo lắng đủ bề. Có những năm làm được thì lo lắng đầu ra không có ai mua, hoặc có những năm bán được nhưng nguồn nguyên liệu đạt chất lượng lại hiếm nên những người sản xuất tăm hương như chúng tôi cũng có phải lo toan nhiều. Làm nghề này chúng tôi cũng phải đầu tư nhiều, nếu không cân bằng được đầu ra thì kinh doanh sẽ đứt đầu vào, có thể phá sản.” - ông Long chia sẻ.

Mặc dù khó khăn là thế nhưng gia đình ông Long và những hộ gia đình khác vẫn luôn duy trì và phát huy nghề truyền thống của làng cho thế hệ mai sau.

Rộn ràng những ngày giáp T ết

Nghề làm hương tại xã Quảng Phú Cầu diễn ra quanh năm những có lẽ hối hả và nhộn nhịp nhất vẫn là vào những ngày giáp Tết Nguyên đán. Không chỉ việc buôn bán, giao thương rộng mở hơn mà việc du khách tìm đến check-in cũng ngày một tăng cao.

Hà Nội: Làng hương Quảng Phú Cầu tất bật những ngày cuối năm - Ảnh 3.

Sân phơi nhà ông Long được nhiều du khách săn đón để đến check-in

 

Mọi năm do ảnh hưởng của COVID-19 nên việc buôn bán bị trì trệ, người sản xuất hương phải nhờ vào hỗ trợ của nhà nước để duy trì việc làm tăm hương truyền thống. Nhiều hộ gia đình kinh doanh làm hương nhỏ lẻ do không đủ kinh phí để duy trì nên đành đóng cửa. Bước sang năm nay, việc buôn bán có phần phấn khởi hơn.

Suốt đường làng sắc đỏ, sắc hồng của những bó chân hương nhuộm kín cả hai bên lề đường, cạnh bờ mương, các bãi đất trống… Những máy chẻ chân hương hoạt động hết công suất để kịp đưa vào thị trường phục vụ cho dịp tết nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới.

Nhà ông Long có xưởng sản xuất với quy mô vừa. Mỗi ngày nhà ông thuê khoảng 10 nhân công, lương phải trả cho mỗi người là 250.000 đồng/ngày và mức lương được ổn định ngay cả dịp tết. Nhiều hôm những người ở đây còn phải làm thêm giờ. Tăm hương nhà ông sản xuất được bán giá với giá 35.000 đến 40.000 đồng/kg. Khách lấy hàng chủ yếu đều là khách quen cho nên việc buôn bán của xưởng luôn được duy trì. Cứ mấy ngày lại có một xe đến chuyển hàng đi.

Hà Nội: Làng hương Quảng Phú Cầu tất bật những ngày cuối năm - Ảnh 4.

Hằng ngày cứ tầm 16h, người dân sẽ thu những bó hương lại vào kho

Cũng là một nhà làm tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu, quy mô nhà bà Thủy thuộc dạng nhỏ nên việc sản xuất tăm hương chậm, ít nguồn khách.

Bà Thủy cho hay: “Mấy năm nay ảnh hưởng của Covid nên việc buôn bán của nhà tôi gặp nhiều khó khăn, hàng làm ra khó bán. Do quy mô sản xuất nhỏ nên nguồn khách quen nhà tôi không nhiều. Việc buôn bán năm nay cũng có phần hơn năm trước nhưng cũng không đáng kể.”

Hiện nay, hương Quảng Phú Cầu không chỉ được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng mà còn là mặt hàng quen thuộc ở nhiều thị trường khác trong cả nước.

Ngoài việc buôn bán có khởi sắc, hiện tại nhà ông Long đang cho vào mô hình kết hợp du lịch. Những bó tăm hương được nhuộm nhiều màu và xếp phơi theo những hình bắt mắt như cây thông noel, lá cờ, bản đồ… với mục đích để khách đến tham quan và check-in. Một lượt vào chụp ảnh có giá từ 50.000 - 100.000 đồng. Việc làm này vừa có thể tạo thêm thu nhập lại vừa có thể quảng bá thêm thương hiệu của làng nghề nên hiện nay cũng có một vài người cũng đang triển khai mô hình tương tự.

Hà Nội: Làng hương Quảng Phú Cầu tất bật những ngày cuối năm - Ảnh 5.

Khách nước ngoài thường xuyên ghé xưởng nhà ông Long để chech in cùng "vườn chân hương" rực rỡ sắc màu

Du khách đến đây check-in rất nhiều, không chỉ những người trong nước mà có cả khách nước ngoài. Theo ông Long, những ngày gần đây khách nước ngoài đến chụp ảnh rất đông, nhiều nhất là khách Ấn Độ, họ chủ yếu biết về làng hương thông qua sự giới thiệu của bạn bè.

Lượt xem: 33
Tác giả: Theo Lâm Thuỳ Dương
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...