Những quyền lợi của lao động có hợp đồng 1 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất người lao động có hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên tham gia bảo hiểm thất nghiệp thay vì đủ 3 tháng trở lên như hiện nay để bảo đảm quyền lợi cho người lao động trước những cú sốc như đại dịch, thiên tai...

Những quyền lợi của lao động có hợp đồng 1 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Người dân làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Anh Thư

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành và trình Chính phủ dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, nội dung đáng chú ý là đề xuất điều chỉnh một số chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định vào Luật Việc làm về nhóm người tham gia bảo hiểm thất nghiệp cụ thể là nhóm người này bao gồm cả lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã hưởng lương; Bổ sung chế độ hỗ trợ chủ sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tính toán, giai đoạn 2015-2021, mỗi năm có 750.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tổng số tiền chi khoảng 9.600 tỉ đồng/năm.

Khi sửa Luật Việc làm, với các chính sách chủ động ứng phó để giảm thất nghiệp, số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm khoảng 1%/năm so với hiện nay, qua đó giúp giảm chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp trên 1.900 tỉ đồng/năm.

Việc sửa đổi điều kiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn với chế độ hỗ trợ đào tạo lại lao động duy trì việc làm, quỹ bảo hiểm thất nghiệp có thể tăng chi khoảng 2.000 tỉ đồng/năm.

Với chế độ hỗ trợ thêm sinh hoạt phí cho người thất nghiệp học nghề, nếu hỗ trợ 100.000 người/năm (gấp 3,3 lần bình quân giai đoạn 2015-2021), quỹ bảo hiểm thất nghiệp tăng chi thêm hơn 1.800 tỉ đồng/năm.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa quy định để chủ động ứng phó về sau.

Cụ thể, năm 2021-2022, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ người sử dụng lao động hơn 9.200 tỉ đồng từ chính sách giảm mức đóng, chi hỗ trợ hơn 13,2 triệu người lao động tổng số tiền trên 31.800 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Luật Việc làm hiện hành chưa có quy định để Chính phủ chủ động sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp ứng phó các “cú sốc” như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế. Bộ này cũng đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp trước các “cú sốc”.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH). Ảnh: Anh Thư

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH). Ảnh: Anh Thư

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, khi người lao động có hợp đồng lao động, có việc làm thì sẽ có nguy cơ thất nghiệp. Đề xuất người lao động có hợp đồng 1 tháng trở lên đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ đồng bộ với việc tham gia bảo hiểm xã hội.

Một số ý kiến cho rằng việc đề xuất đóng bảo hiểm thất nghiệp với nhóm đối tượng này tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Trao đổi về ý kiến này, bà Hương cho hay, những khoản về an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là khoản nằm trong chi phí của doanh nghiệp.

"Đây không phải khoản chi phí vứt đi. Ví dụ, những doanh nghiệp đầu tư tốt, nguồn lực tốt, thực hiện trách nhiệm xã hội tốt hơn thì người lao động an tâm hơn" - bà Hương nói.

Theo chuyên gia này, vừa qua, nhiều biến cố như dịch COVID-19, doanh nghiệp giảm đơn hàng... đã xảy ra. Nếu như người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ nhận được những hỗ trợ.

Bên cạnh đó, bà Hương cũng đề xuất giảm mức đóng của doanh nghiệp và lao động xuống 0,5-0,8% thay vì 1% như hiện hành.