Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý đất đai hiệu quả

Cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai có vai trò hỗ trợ đắc lực cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm xây dựng được các phương án sử dụng đất hợp lý, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường của từng địa phương cũng như cả nước.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng các địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh việc xây dựng CSDL đất đai và đạt được những kết quả tích cực.

Hoàn thành cơ sở dữ liệu của 43 triệu thửa đất

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua, với sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ cùng các địa phương, đến nay, ngành TN-MT đã hoàn thành số hóa, đưa vào sử dụng CSDL đất đai ở 397/705 đơn vị cấp huyện với 43 triệu thửa đất. Trong đó đã kết nối, chia sẻ 18 trường thông tin ở 56/63 tỉnh, thành phố; 316/705 đơn vị cấp huyện, 4.076/10.599 đơn vị cấp xã với hơn 24 triệu thửa đất, số lượng kết nối đang tiếp tục tăng. Các dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu dân cư được triển khai, trong đó các thủ tục: Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ) đã được triển khai tại 50/63 tỉnh, thành phố.

Các đại biểu thực hiện nghi thức kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Bộ TN-MT cũng vận hành hệ thống hồ sơ điện tử phục vụ chỉ đạo điều hành, xử lý hồ sơ, ký số hoàn toàn trên môi trường mạng, bảo đảm văn bản xử lý theo thời gian thực (không còn tồn tại tình trạng lấy số trước). Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử của bộ đã xử lý, giải quyết 301.500 văn bản đến, 69.400 hồ sơ, văn bản đi; tỷ lệ văn bản điện tử gắn ký số đạt xấp xỉ 100%.

Đặc biệt, tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần 2, Bộ TN-MT đang đề xuất bổ sung quy định tại các khoản 1, 2 và 3, Điều 159 về hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu, kết nối liên thông trên phạm vi cả nước. Quy định CSDL đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại khoản 1 và khoản 3, Điều 160. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai tại Điều 162, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Với mục tiêu thiết lập CSDL quốc gia về đất đai thành một hệ thống thống nhất, liên thông, là nền tảng cơ sở cho triển khai công tác quản lý, nghiệp vụ, hoạt động về đất đai; cung cấp dữ liệu thông tin cho quản trị nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, ngày 29-12-2022, Bộ TN-MT đã chính thức kết nối CSDL đất đai với CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng. CSDL quốc gia về dân cư được Bộ Công an vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân được số hóa. Đây được xem là dữ liệu gốc, một trong các tài nguyên số của quốc gia. Từ CSDL quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân. Trong bối cảnh Luật Cư trú vừa có hiệu lực vào ngày 1-1-2023, việc liên kết hai CSDL này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Đó là những dữ liệu đầy đủ, sống, sạch, phục vụ quản lý, người dân và an ninh quốc gia.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, kết nối CSDL đất đai với CSDL quốc gia về dân cư đạt được kết quả bước đầu tuy còn khiêm tốn trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), nhưng là bước chuyển mình quan trọng trong sử dụng dữ liệu chung của Chính phủ; là tiền đề thay đổi phương thức làm việc trên môi trường số; phụng sự Tổ quốc, phục vụ người dân và doanh nghiệp; cụ thể hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số theo đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ TN-MT năm 2023 sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện CSDL đất đai. Dự kiến, tới tháng 6-2023 sẽ hoàn thành CSDL đất đai của 454/705 huyện tại các địa bàn đông dân, đến hết năm 2023 đạt 550 huyện. Bộ TN-MT hướng tới xây dựng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, tập trung, thống nhất, bảo đảm hỗ trợ nghiệp vụ quản lý đất đai và giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bài và ảnh: LA DUY

 

Lượt xem: 13
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết