Ngày 11-1-1990: Ngày thành lập Viện Chiến lược Quốc phòng

Ngày 11-1-1990: Thành lập Viện Chiến lược Quốc phòng. Viện có chức năng tư vấn cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng những vấn đề liên quan đến đường lối, chính sách quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang; nghiên cứu, phân tích, dự báo các nguy cơ đối với an ninh - quốc phòng của Việt Nam; các vấn đề tư tưởng, đường lối, học thuyết quân sự; nghệ thuật quân sự, phương thức tiến hành chiến tranh...

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 11-1-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế

Sự kiện trong nước

Ngày 11-1-1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Công viên Bảy Mẫu và trồng cây đa lưu niệm. Sau đó, Người đi thăm và nói chuyện với nhân dân và cán bộ cùng tham gia lao động về lợi ích của việc trồng cây. Người căn dặn phải trông nom, săn sóc, bảo vệ cây trồng.

Cùng ngày, Người tới thăm Đoàn xiếc nhân dân Trung ương.

Ngày 11-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cầy đa tại Công viên Thống nhất mở đầu Tết trồng cây do Người phát động. Ảnh: Hochiminh.vn 

Ngày 11-1-1990: thành lập Viện Chiến lược Quốc phòng. Viện Chiến lược Quốc phòng - tiền thân là Viện Chiến lược Quân sự, có chức năng tư vấn cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng những vấn đề liên quan đến đường lối, chính sách quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang; nghiên cứu, phân tích, dự báo các nguy cơ đối với an ninh - quốc phòng của Việt Nam; các vấn đề tư tưởng, đường lối, học thuyết quân sự; nghệ thuật quân sự, phương thức tiến hành chiến tranh; các vấn đề kinh tế - quốc phòng, đề xuất phương hướng tổ chức, xây dựng các lực lượng vũ trang, hệ thống lãnh đạo, chỉ huy và các biện pháp bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 10-1-2020, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Phan Văn Giang (nay là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì tặng Viện Chiến lược Quốc phòng. Ảnh: Qdnd.vn 

Trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Viện Chiến lược Quốc phòng đã tổ chức thực hiện hàng trăm công trình, đề tài nghiên cứu chiến lược có giá trị như: “Chống chiến lược Diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”, “Luận cứ khoa học của Chiến lược quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới”, “Bảo vệ Tổ quốc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Học thuyết quân sự Việt Nam”..., góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Các công trình, đề tài của Viện đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề và cung cấp luận cứ khoa học quan trọng cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, Viện Chiến lược Quốc phòng còn trực tiếp biên soạn, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trình Bộ Chính trị công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam (năm 1998, 2004, 2009, 2019), thể hiện rõ quan điểm xây dựng nền quốc phòng hòa bình, tự vệ, tạo niềm tin đối với cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, Viện Chiến lược Quốc phòng còn trực tiếp nghiên cứu, tham mưu, biên soạn Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam; cùng các cơ quan chiến lược quốc gia, bộ, ngành nghiên cứu, biên soạn các chiến lược chuyên ngành, xây dựng đề án quân sự, quốc phòng; dự báo các hình thái chiến tranh, vấn đề biên giới, biển, đảo, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân thời kỳ mới,… góp phần quan trọng bổ sung, phát triển đường lối nghệ thuật quân sự của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.

Sự kiện quốc tế

Ngày 11-1-1874: Ngày mất của Gail Borden, người phát minh ra sữa đặc.

Ngày 11-1-1989: 149 quốc gia đã họp ở Pari để thảo luận và quyết định loại trừ vũ khí hoá học. Trong lời tuyên bố sau cùng, các nước tham gia đồng thanh chống lại việc chế tạo và tàng trữ vũ khí hoá học.

Theo dấu chân Người

Ngày 11-1-1933, dưới cái tên Tống Văn Sơ, Nguyễn Ái Quốc đang chuẩn bị cho chuyến trở về nước Nga Xô viết. Bị bắt từ ngày 6-6-1931 khi đang hoạt động ở Hồng Kông, qua 9 phiên xét xử, được sự giúp đỡ của một số luật sư tiến bộ người Anh, trong đó có ông Francis Henry Loseby, ngày 28-12-1932, Nguyễn Ái Quốc được thả tự do. Từ thời điểm đó đến ngày 11-1-1933, được sự giúp đỡ của những luật sư người Anh và một số cơ sở cách mạng của người Việt Nam, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tìm cách rời Hồng Kông tiếp tục hoạt động trong chuyến tàu khởi hành vào ngày hôm sau trên hành trình đến nước Nga, nhưng ghé qua cảng Singapore.

Nguyễn Ái Quốc năm 1930. Ảnh: Hochiminh.vn 

Ngục Victoria, nơi giam giữ Nguyễn Ái Quốc thời gian Người bị bắt ở Hồng Kông (1931-1933). Ảnh: Hochiminh.vn 

Ngày 11-1-1946 từ Thái Bình, Bác đi thăm tỉnh Nam Định, 7 giờ sáng, đông đảo nhân dân đã tề tựu trước Ủy ban Hành chính thành phố nghe vị Chủ tịch nước nói chuyện với đồng bào về những nhiệm vụ kháng chiến, cứu đói. Sau đó, Bác đến thăm và chia quà cho trẻ em ở Trại trẻ mồ côi Nam Định. Tại đây, Bác cảm động nói với bà Phước: “Tôi ghé qua đây thăm bà và các cháu. Tôi thay mặt các cháu không cha, không mẹ đó cảm ơn bà đã trông nom cho chúng như một người mẹ. Chúng tội tình gì mà tội nghiệp quá”. Rời Nam Định, Bác đi thăm Phủ Lý và nói chuyện với dân chúng đến chào đón vị Chủ tịch nước.

Theo hồi ký của một sĩ quan Mỹ trong đơn vị thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược của Mỹ (OSS) mang bí danh “Con Bê” (The Cown Team) là Georges Wickes đang đóng tại Sài Gòn được lệnh ra Hà Nội vào đầu năm 1946 để thực hiện cuộc phỏng vấn người đứng đầu nhà nước Việt Nam. Sau đó, Wickes đã viết một bức thư gửi cho mẹ nói về cảm nhận của mình đối với nhân vật lần đầu được tiếp xúc (bức thư về sau được công bố khi tác giả đã trở thành một giáo sư đại học). Thư viết: Ông Hồ mặc quân phục, nhưng một cách giản dị không có bất kỳ phù hiệu nào. Khi hỏi rằng ông có phải là người cộng sản không? Ông Hồ không hề giấu giếm sự thật. Nhưng khi hỏi rằng phải chăng điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ trở thành đất nước cộng sản, ông nói rằng ông không phải là người xác định điều này, bản sắc chính trị của đất nước phải được quyết định bởi nhân dân...

Và khi được hỏi rằng Hồ Chí Minh là một người như thế nào? Con sẽ mô tả ông như sự kết hợp giữa Thánh Francis xứ Assisi và Abraham Lincohn (Thánh Francis là vị thánh biểu trưng cho tình nhân ái, chống bạo lực và thân thiện với thiên nhiên; còn A. Lincohn là vị tổng thống đoàn kết toàn dân xây dựng thể chế dân chủ - BT).

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 11-1-1962, trong Bài nói chuyện tại Hội nghị truyền đạt Nghị quyết Bộ Chính trị và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm vượt mọi khó khǎn gian khổ để xây dựng nước nhà. Chúng ta còn có nhiều khó khǎn tạm thời, nhưng chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi: Đảng ta lãnh đạo đúng đắn, dân ta hǎng hái thi đua, các nước anh em giúp đỡ.” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 13, trang 315)

Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, những lời của Bác vừa kêu gọi, vừa khơi gợi tinh thần của của toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết nhất trí, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng như làm cơ sở cho công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Các y, bác sĩ TP Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm chống dịch Covid-19. Ảnh: Qdnd.vn

Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 một lần nữa cho thấy khi mọi người, mọi ngành của đất nước đoàn kết nhất trí thì không kẻ thù nào không đánh thắng, không khó khăn nào là không thể vượt qua. Mọi khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra chỉ là tạm thời, chúng ta luôn có những điều kiện thuận lợi để chiến thắng những thách thức của đại dịch toàn cầu này.

Đó là sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, chính xác của Đảng, Nhà nước, là sự vào cuộc của các cấp các ngành, của toàn thể nhân dân, trong đó không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của đội ngũ y bác sĩ và các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch; cũng như sự hỗ trợ từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Việt Nam thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, sự quyết tâm và đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân là điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập trung bình cao, nâng cao đời sống của nhân dân, khẳng định hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2744, ra ngày 11-1-1969 đưa tin Hồ Chủ tịch tiếp Đoàn đại biểu Đảng cộng sản Đan Mạch.

 Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2744, ra ngày 11-1-1969.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 12088, ra ngày 11-1-1995 đăng trang trọng lời của Người: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân. Bác nhấn mạnh: Làm đầy tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân.”  Đây là lời được trích trong Bài nói với cán bộ tỉnh Hà Tây của Người nói ngày 10-2-1967. Bài nói được đăng trên Báo Nhân dân, số 4713 ra ngày 5-3-1967.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 12088, ra ngày 11-1-1995. 

 

 

ĐẶNG LOAN (tổng hợp)

Tags: qdnd