Liên hợp quốc nỗ lực thúc đẩy việc gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen

Ngày 8-3, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đến thủ đô Kiev của Ukraine với hy vọng thúc đẩy việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc (được biết đến với tên gọi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen) mà Ukraine và Nga đạt được hồi năm ngoái.

Tổng thư ký LHQ Guterres chỉ công bố chuyến thăm chớp nhoáng tới Ukraine sau khi đến nước láng giềng Ba Lan vào ngày 7-3. Ông ở lại Kiev một ngày (8-3) trước khi trở về trụ sở chính của LHQ ở New York (Mỹ). Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết, trong chuyến công tác lần thứ ba tới Kiev, ông Guterres thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về duy trì Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Tổng thư ký LHQ kêu gọi các bên liên quan tiếp tục gia hạn thỏa thuận này để bảo đảm duy trì nguồn cung cho thị trường toàn cầu trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp diễn.

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7-2022, dưới vai trò trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Trung tâm điều phối chung ở Thổ Nhĩ Kỳ-cơ quan giữ vai trò giám sát việc thực hiện Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen-đã có gần 23 triệu tấn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác được xuất khẩu kể từ khi thỏa thuận này có hiệu lực. Việc duy trì thỏa thuận được coi là bước đi quan trọng giúp các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu không bị gián đoạn bởi cả Ukraine và Nga đều là những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới. Hiện Nga không chỉ là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới mà còn là nhà cung cấp chính phân bón và hạt giống cho thị trường toàn cầu.

Hơn 53.000 tấn lúa mì xuất khẩu theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được bốc dỡ tại cảng Mombasa của Kenya. Ảnh: AP 

Các chuyên gia đã gọi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là “ngọn hải đăng hy vọng hiếm hoi” giúp đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới bằng cách ổn định giá ngũ cốc. Với hiệu lực thực thi trong 120 ngày, thỏa thuận đã được gia hạn lần thứ nhất vào tháng 11-2022 và sẽ hết hạn vào ngày 18-3 tới, trừ khi các bên đồng ý gia hạn. Theo ông Abdullah Dashti, Điều phối viên của LHQ về Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, việc gia hạn thỏa thuận sau ngày 18-3 tới sẽ tiếp tục tạo nên những thành tựu đáng kể. Ông Dashti nhấn mạnh rằng, cả ngũ cốc và phân bón đều là những mặt hàng quan trọng để giải quyết toàn diện tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.

Đối với Tổng thư ký Guterres, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi ông là một trong những người thúc đẩy đàm phán thỏa thuận thành công hồi tháng 7 năm ngoái. Phát biểu tại phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng về Ukraine cách đây hai tuần, ông Guterres cho biết, 4 bên tham gia thỏa thuận gồm Ukraine, Nga, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đang “làm việc tích cực nhằm loại bỏ những trở ngại còn lại... và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga sang thị trường toàn cầu”.

Tuy nhiên, hiện có lo ngại rằng Nga có thể từ chối gia hạn thỏa thuận. Với tư cách là một bên tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Nga đã nhiều lần phản đối cách tiếp cận của phương Tây vì cho rằng việc các nước áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow đang tác động đến những hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Nga, đặc biệt là phân bón. Gần đây, Moscow tỏ ý không hài lòng với một số khía cạnh của thỏa thuận và yêu cầu gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của nước này. Thậm chí, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng cáo buộc phương Tây cố tình hủy hoại Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine từ các cảng phía Nam nước này. Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ấn Độ hồi đầu tháng 3, ông Lavrov nhấn mạnh cần chấm dứt “chơi con bài lương thực” trong khi nguyên nhân khủng hoảng lương thực là do phương Tây hồi đầu đại dịch Covid-19 đã cho in hàng nghìn tỷ USD và euro thu mua lương thực trên toàn thế giới. Nhà ngoại giao Nga cũng khẳng định, cần từ bỏ tư duy áp đặt và trừng phạt trên thế giới vì sự hình thành trật tự thế giới mới đòi hỏi thừa nhận sự đa dạng, tôn trọng lợi ích của nhau.

Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: “Nếu thỏa thuận này là bình đẳng thì chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi mọi điều khoản trong thỏa thuận”.