Nữ GS gốc Việt vào Viện hàn lâm Mỹ: Phụ nữ làm khoa học lợi thế hơn nam giới
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên cho rằng, phụ nữ làm khoa học nhiều lợi thế nên hãy không ngừng nỗ lực cho những đam mê và thực hiện thật tốt việc nghiên cứu.
Viết tiếp ước mơ của mẹ
"Tôi chưa từng dám mơ ước hay tưởng tượng được trở thành viện sĩ của Viện hàn lâm kỹ thuật quốc gia Mỹ (NAE)", giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ tại Đại học California, Santa Barbara, Mỹ nói.
Viện hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia - một trong cơ sở nghiên cứu danh giá nhất thế giới. Giáo sư Quyên được các viện sĩ đương nhiệm đánh giá cao về vai trò lãnh đạo trong giáo dục kỹ thuật và nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng ở lĩnh vực năng lượng. Nữ giáo sư gốc Việt có nhiều đóng góp cho xã hội, cộng đồng khoa học thế giới. Bà cũng có những công trình nghiên cứu đặc biệt về quang điện hữu cơ cho các tòa nhà và nhà kính tiết kiệm năng lượng.
Người phụ nữ gốc Đắk Lắk hạnh phúc sau nhiều năm theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học. Sự cống hiến không ngừng nghỉ ấy được các nhà khoa học lớn và cộng đồng quốc tế công nhận.
Trở thành viện sĩ của Viện hàn lâm Mỹ là dấu mốc lớn trong sự nghiệp của giáo sư Thục Quyên khi bước sang tuổi 53. Ít ai biết, để đến được thành công này, chị đã vượt qua vô vàn thử thách và khó khăn.
Năm 1991, chị cùng gia đình rời Việt Nam sang Mỹ định cư với ước muốn duy nhất - theo đuổi cuộc sống tốt đẹp hơn, được tới trường học tập. Không biết tiếng Anh, không bạn bè, thứ vốn liếng duy nhất chị có khi ấy là lòng quyết tâm và gia đình.
Trải qua tuổi thơ khó khăn, không có điện, cô bé Quyên ngày ấy xác định mục tiêu theo đuổi nghiên cứu về năng lượng mặt trời, "làm sao để giúp những vùng khó có điện, ánh sáng chiếu rọi vào buổi tối". Sự quyết tâm ấy thúc đẩy chị thực hiện nghiên cứu thành công tấm pin năng lượng năng lượng mặt trời.
Sau 32 năm đặt chân lên xứ sở cờ hoa, chị trở thành một trong những nhà khoa học nổi tiếng hàng đầu về quang điện tử và năng lượng. "Giấc mơ Mỹ của tôi đã hoàn thành", giáo sư Quyên nói
Không chỉ vậy, được bầu vào Viện hàn lâm Mỹ cũng là niềm vui, món quà bà muốn dành tặng cho người mẹ của mình. "Mẹ tôi luôn khao khát được học cao hơn, nhưng việc kết hôn ở tuổi 18 và phải đi làm để nuôi nấng 5 đứa con khiến giấc mơ đi học thành mây khói. Nên theo một cách nào đó, tôi đang trên đường hiện thực hóa không phải chỉ ước mơ của riêng bản thân, mà còn viết tiếp ước mơ cho mẹ", nữ giáo sư chia sẻ.
Lợi thế phụ nữ làm khoa học
Sau khi trở thành viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Mỹ, cuộc sống và công việc của giáo sư Thục Quyên không nhiều xáo trộn. Hằng ngày, chị vẫn dành phần lớn thời gian nghiên cứu tại phòng lab, giảng dạy sinh viên và giao lưu với chuyên gia, nhà khoa học.
Điều thay đổi lớn nhất chị cảm nhận được là sự hiện diện và danh tiếng tăng đáng kể trong cộng đồng khoa học quốc tế và trong xã hội. Chị đang cố gắng tận dụng điều này để kết nối giữa chính phủ và nhà nghiên cứu, tìm kiếm cách giúp đỡ các nhà khoa học Việt, đặc biệt là nữ giới với các nhà khoa học trên thế giới.
Từ khi thành lập đến nay, Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ có rất ít phụ nữ được kết nạp trở thành viện sĩ. Năm nay cũng vậy, tỷ lệ phụ nữ được kết nạp chưa đến ¼ tổng số thành viên mới (24 nữ giới/124 thành viên). Đây là một trong những điều chị trăn trở và hy vọng sẽ có thêm nhiều phụ nữ được bầu chọn vào NAE trong tương lai gần.
Chị nói, phụ nữ làm khoa học không yếu thế hơn nam giới, chỉ cần phụ nữ luôn nỗ lực cho những đam mê và cố gắng thực hiện thật tốt việc nghiên cứu khoa học. Phụ nữ không nên ngại ngần khi cần sự giúp đỡ, hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài. Phụ nữ hãy cứ liên lạc với họ và họ sẽ tương tác. Bản thân chị cũng mong giúp thêm nhiều nhà khoa học nữ Việt Nam hơn nữa.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên hiện là đồng chủ tịch Hội đồng Sơ khảo giải thưởng VinFuture. Chị nằm trong top 1% nhà nghiên cứu khoa học vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics.
Chị được giới khoa học chú ý nhờ những đóng góp xuất sắc trong hướng nghiên cứu khoa học vật liệu và các ứng dụng trong y sinh. Các nghiên cứu của chị xoay quanh tính chất điện tử của Polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị .
Ước mơ lớn nhất của giáo sư Quyên hiện nay là giúp Việt Nam xây dựng hạ tầng tốt hơn phục vụ nghiên cứu - các phòng thí nghiệm tối tân trải dài từ Bắc vào Nam sẽ được hình thành. Bởi bà tin rằng, điều sẽ giúp đỡ thúc đẩy nền khoa học Việt Nam tiến gần đến với thế giới.
Giáo sư Quyên nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ của Văn phòng nghiên cứu Hải quân (2005), giải thưởng quỹ Khoa học quốc gia Career (2006), giải thưởng Harold Plous (2007).
Năm 2008, chị nhận giải thưởng học giả - giáo viên Camille Dreyfus, sau đó lần lượt là các giải nghiên cứu viên Alfred Sloan năm (2009), nghiên cứu viên đổi mới và năng lực cạnh tranh Hoa kỳ của Quỹ khoa học quốc gia (2010), giải thưởng Nghiên cứu cao cấp Alexander Von Humboldt (2015), nghiên cứu viên của hiệp hội hóa học hoàng gia (2016).
Chị được bình chọn là trí tuệ khoa học mang tầm ảnh hưởng nhất thế giới 4 năm liên tiếp 2015, 2016, 2017 và 2018.