Nâng cao nhận thức về hành lang an toàn lưới điện cao áp

Hiện nay, tại nhiều khu vực từ thành thị đến nông thôn, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Việc này làm tăng nguy cơ mất an toàn về điện, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, cũng như đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân.

Công nhân Công ty Điện lực Lai Châu tổ chức phát quang hành lang lưới điện cao áp. 

Theo Nghị định số 51/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện thì lưới điện cao áp có điện áp danh định từ 1.000V trở lên và gồm có: Đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm và trạm điện. Lưới điện cao áp này phải có hành lang bảo vệ an toàn trong quá trình vận hành.

Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong năm 2022, trên toàn quốc xảy ra 79 vụ tai nạn điện do người dân vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, làm 30 người chết, 65 người bị thương. Nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn điện xảy ra do vi phạm hành lang an toàn lưới điện là bởi người dân thi công xây dựng, sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị, công trình, nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; câu cá, trèo cột điện, vào trạm điện, bắn pháo sợi kim tuyến hoặc thả diều, đèn trời; chặt, tỉa, mang vác cây... gần lưới điện cao áp. Số liệu này cho thấy, mặc dù đã có những thông tin tuyên truyền, cảnh báo về hành lang an toàn lưới điện bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng tình hình tai nạn điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn còn diễn biến phức tạp.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của các vụ vi phạm do kiến thức, nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp còn hạn chế. Trong khi đó, các hình thức xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp hiện nay tuy đầy đủ về hình thức nhưng mức hình phạt còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi này, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm dẫn đến tồn tại nhiều vụ vi phạm. Để giảm thiểu tai nạn điện do vi phạm hành lang an toàn, trong thời gian tới, EVN và các đơn vị thành viên kiến nghị sở công thương các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Các công ty điện lực phối hợp với chính quyền các địa phương, sở công thương tăng cường biện pháp tuyên truyền về hành lang an toàn lưới điện; thực hiện tốt công tác phát quang hành lang tuyến theo quy định; rà soát, bổ sung biển cảnh báo để phòng ngừa vi phạm tái diễn.

Bài và ảnh: MINH ĐỨC