Kiểm tra, giám sát chặt chẽ giúp đồng đội tiến bộ

Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (Nghị quyết 847) đề cập cụ thể nhiều nội dung có ý nghĩa sâu sắc trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Bàn về vấn đề này, Chuẩn đô đốc Chu Ngọc Sáng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Hải quân nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, không những chỉ ra khuyết điểm mà còn tạo cơ hội để đồng đội tiến bộ, trưởng thành.

Phóng viên (PV): Như đã đề cập, tại sao đồng chí lại cho rằng thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát là tạo cơ hội để giúp đỡ đồng đội tiến bộ, trưởng thành?

Chuẩn đô đốc Chu Ngọc Sáng: Như chúng ta đã biết, kiểm tra là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Đã là cán bộ, đảng viên, đặc biệt cán bộ chủ trì thì đều phải ghi nhớ rất rõ điều này: “Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”. Theo Người, mục đích của công tác kiểm tra chính là phát hiện những hạn chế, bất cập, thiếu sót trên mọi phương diện trong quá trình tổ chức thực hiện để hoàn thành tốt nhất công việc đề ra. Thông qua kiểm soát, những khuyết điểm mới được phát hiện và khắc phục kịp thời; nhờ có kiểm tra mà biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu, mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan, của các mệnh lệnh và nghị quyết. 

Mục đích của công tác kiểm tra, giám sát không phải “vạch lá tìm sâu” mà cốt lõi phải giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên nhận ra cái chưa đúng để khắc phục. Hay nói cách khác, chúng ta phải “xây” tốt thì mới “chống” mạnh. Và quan điểm trong Nghị quyết 847 cũng chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Thực tế, có không ít cán bộ, đảng viên trong quá trình chiến đấu, công tác vi phạm, phải xử lý kỷ luật, nhưng sau đó được đồng đội, tổ chức chỉ ra, góp ý và với tinh thần cầu thị, tiến bộ đã khắc phục, phấn đấu vươn lên, trở thành cán bộ, đảng viên tốt, được nhân dân yêu quý, đồng đội mến phục. Như vậy, công tác kiểm tra, giám sát đã có vai trò quan trọng trong giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên tiến bộ, trưởng thành.

leftcenterrightdel

Chuẩn đô đốc Chu Ngọc Sáng. 

PV: Thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên trong quân đội vi phạm kỷ luật phải xử lý ở nhiều mức độ khác nhau, thậm chí cả những cán bộ cấp cao, nguyên nhân có phải là do phần “chống” trong công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng chưa thật hiệu quả, thưa đồng chí?

Chuẩn đô đốc Chu Ngọc Sáng: Theo tôi, đánh giá như thế là chưa đầy đủ, toàn diện. Theo thống kê, tính từ năm 2016 đến cuối năm 2021, toàn ngành thanh tra quốc phòng đã tiến hành hơn 2.400 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh; riêng Thanh tra Bộ Quốc phòng đã thực hiện hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh đơn khiếu nại, tố cáo... phát hiện nhiều sai phạm chuyển các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý. Những con số đó càng khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật Đảng trong quân đội đã có sự phát triển mạnh mẽ, quyết liệt, làm đến nơi đến chốn và không có vùng cấm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai phạm, trong đó có một phần công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế, song tôi cho rằng nguyên nhân chính là một số cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình còn hình thức; đặc biệt là chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nghĩa là phần “chống” đã bị coi nhẹ. Thực tế cho thấy, ở đâu, khi nào người đứng đầu cấp ủy, chỉ huy gương mẫu, sâu sát, chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát thì đạt được hiệu quả cao. Ngược lại, nơi nào buông lỏng, thiếu công tác kiểm tra, giám sát, thiếu trách nhiệm thì ở đó rất dễ rơi vào tình trạng kiểm tra mang tính hình thức, đối phó, chiếu lệ, làm theo kiểu phong trào, “đánh trống bỏ dùi”...

PV: Có ý kiến cho rằng những vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật, quy định về những điều đảng viên không được làm, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, quân đội gần đây đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phẩm chất, hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Chuẩn đô đốc Chu Ngọc Sáng: Cần phải khẳng định, việc vi phạm kỷ luật, pháp luật của một số tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên là điều đáng trách, phải xử lý nghiêm minh, song không vì thế mà đánh đồng uy tín, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ bị giảm sút, đó chỉ là hiện tượng cá biệt, riêng lẻ. Chúng ta biết rằng, uy tín, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không phải có được một sớm một chiều mà xuyên suốt quá trình hơn 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội. Trong đó, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong quân đội luôn giữ vững phẩm chất quân nhân cách mạng, phát huy truyền thống, bản chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, những hành vi tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch nội bộ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy, yêu mến.

Dịch Covid-19 bùng phát lại càng chứng minh quân đội luôn xung kích đi đầu cùng với toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị tích cực tham gia phòng, chống đại dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “tính mạng và sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết”, góp phần giúp các địa phương vượt qua những thời điểm vô cùng khó khăn để trở về trạng thái bình thường mới. Ngay tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Học viện Hải quân cũng đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, học viên hỗ trợ địa phương tham gia phòng, chống dịch. Điều đó càng làm ngời sáng hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới.

leftcenterrightdel

 Học viên Học viện Hải quân trao đổi kiến thức/Ảnh minh họa/ Ảnh: hocvienhaiquan.edu.vn

PV: Với kinh nghiệm nhiều năm công tác, trải qua các cương vị lãnh đạo, chủ trì ở những đơn vị chiến đấu, nhà trường, theo đồng chí, cần phải làm gì để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, góp phần phát huy, tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời gian tới?

Chuẩn Đô đốc Chu Ngọc Sáng: Theo tôi, cần thực hiện tốt những quy định, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã ban hành cùng các quan điểm, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 847 đề cập. Để thực hiện được những vấn đề này, trước hết phải thống nhất về nhận thức và trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát. Cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải nắm vững quan điểm, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác xây dựng Đảng và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Kiểm tra, giám sát phải dựa vào những quy định, không thể dựa vào cảm tính để thực hiện; có đầy đủ quy chế, quy định, thực hiện đúng quy trình; kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ kiểm tra phải tốt, phải tinh thông về mặt nghiệp vụ; có sự phối hợp của cấp ủy, của cơ quan thanh tra, bảo vệ và đặc biệt là sự giám sát của cán bộ, chiến sĩ trong cùng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, chức trách, quyền hạn được giao, những vấn đề liên quan đến công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, cơ sở vật chất, tài chính, đất đai... Phải coi trọng khâu nắm tình hình để chủ động ngăn ngừa, phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm từ khi mới manh nha, chớm phát sinh vi phạm, không để vi phạm từ một người thành nhiều người, từ ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng. Kỷ luật của quân đội là kỷ luật tự giác, nghiêm minh, đòi hỏi phải được duy trì nghiêm túc, do đó, nếu có sai phạm phải xử lý quyết liệt, dứt điểm. Ngoài ra, thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt tự phê bình và phê bình ở chi bộ, vì chi bộ là nơi đảng viên thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc và hiểu rõ đảng viên nhất. Đó chính là cách giúp đồng đội khắc phục, sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ, trưởng thành.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

DUY HIỂN - ĐỨC LỢI (thực hiện)

Tags: qdnd
Lượt xem: 108