Hà Nội: Tổ chức 4 đoàn kiểm tra, công khai vi phạm an toàn thực phẩm

“Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022 được triển khai trên toàn thành phố từ ngày 15/4 đến 15/5. Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố sẽ tổ chức 4 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tại các quận, huyện, thị xã; Đồng thời, công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi nhằm cảnh cáo, răn đe.

Sáng 14/4, tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; Triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022 được triển khai trên toàn thành phố từ ngày 15/4 đến 15/5.

Hà Nội: Tổ chức 4 đoàn kiểm tra, công khai vi phạm an toàn thực phẩm
Quang cảnh hội nghị

Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, sự kiện còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Đồng thời, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Đáng chú ý, “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; Nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; Cùng với đó là phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Để tăng cường hiệu quả “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố sẽ tổ chức 4 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm thành phố kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, thị xã cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; Đồng thời, công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.

Triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Lưu Hoa cho biết, đơn vị sẽ có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục của thành phố để triển khai sự kiện này. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung vào 2 nội dung chính gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, đặc biệt là các nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin của nhà trường hiểu rõ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; Đồng thời chỉ đạo các phòng giáo dục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở giáo dục có bếp ăn, căng tin để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh.

Còn đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các địa phương sẽ tăng cường chương trình liên kết vùng trong tiêu thụ nông sản. Trong đó, Sở tập trung hỗ trợ hoạt động chế biến tiêu thụ nông sản cũng như công tác bảo đảm an toàn vệ sinh đối với nguồn cung thực phẩm cho các bếp ăn ở trường học.

Đại diện Sở Công thương cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch với chủ đề tiếp tục nâng cao vai trò của người sản xuất kinh doanh tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Trong đó, Sở đang chuẩn bị tổ chức Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn của thành phố năm 2022 với quy mô 150 gian hàng, gồm các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP trong thời gian từ 26/4 – 2/5/2022 tại trung tâm thương mại Melinh Plaza Hà Đông, Hà Nội.

Chỉ đạo nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của thành phố, trong đó khẩn trương triển khai sự kiện này trên địa bàn.

Cho rằng vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm làm công việc thường xuyên, liên tục, đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương tăng cường trách nhiệm hơn nữa, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn để kế hoạch được triển khai hiệu quả, tránh hình thức.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông một cách công khai, minh bạch về vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện kế hoạch; Tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như hậu kiểm trong việc chấp hành các quy định về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng vấn đề thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

Lượt xem: 209
Tác giả: Thường Duy