Khu công nghiệp 16,5ha được chọn di dời lên phía Bắc tỉnh Bình Dương

Tỉnh Bình Dương đã thống nhất chọn Khu công nghiệp Bình Đường để thí điểm thực hiện chuyển đổi công năng và di dời nhà máy lên phía Bắc của tỉnh. Tỉnh cũng đang lấy ý kiến người lao động, doanh nghiệp để thực hiện chính sách khi di dời.

Khu công nghiệp 16,5ha được chọn di dời lên phía Bắc tỉnh Bình Dương

Khu công nghiệp Bình Đường tại phường An Bình, thành phố Dĩ An - khu công nghiệp đầu tiên của Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Vừa qua, tại cuộc họp báo tình hình kinh tế xã hội Bình Dương quý I/2024, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã thống nhất chọn Khu công nghiệp Bình Đường để làm thí điểm chuyển đổi công năng và di dời nhà máy lên các khu công nghiệp ở phía Bắc của tỉnh.

Khu công nghiệp Bình Đường có quy mô 16,5ha do Tổng Công ty Thương mại, xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư. Đây là khu công nghiệp đầu tiên của Bình Dương được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1993 đến nay.

Khu công nghiệp được xây dựng từ năm 1993, bảng tên của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp đã cũ. Ảnh: Đình Trọng

Khu công nghiệp được xây dựng từ năm 1993, bảng tên của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp đã cũ. Ảnh: Đình Trọng

Khu công nghiệp này đã thu hút 11 doanh nghiệp, gồm 5 doanh nghiệp thuê đất và 6 doanh nghiệp thuê nhà xưởng, hiện giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động ngành may mặc. Đầu năm nay, các doanh nghiệp ở đây có đơn hàng trở lại, đang có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động để sản xuất.

Theo ghi nhận, Khu công nghiệp Bình Đường lọt thỏm giữa vùng phát triển đô thị, xung quanh là nhà dân và nhiều chung cư. Vị trí của Khu công nghiệp Bình Đường giáp ranh TPHCM, kết nối với Quốc lộ 1A bằng đường Bình Đường 3 và đường An Bình. Cả hai đường này hiện nay rất nhỏ hẹp so với sự phát triển đô thị.

Có khoảng trên 2.000 công nhân lao động đang làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực may mặc. Ảnh: Đình Trọng

Có khoảng trên 2.000 công nhân lao động đang làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực may mặc. Ảnh: Đình Trọng

Ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian hoạt động của Khu công nghiệp này là 50 năm, doanh nghiệp đã có thời gian sử dụng khoảng 20 năm.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương cũng cho biết, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành cũng đã có chương trình làm việc với chủ đầu tư khu công nghiệp, các doanh nghiệp.

Xung quanh khu công nghiệp Bình Dương là các khu dân cư. Ảnh:Đình Trọng

Xung quanh khu công nghiệp Bình Dương là các khu dân cư. Ảnh:Đình Trọng

Tỉnh đang tiếp tục lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, cũng sẽ tính toán các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong quá trình di dời, chuyển đổi công năng đảm bảo sự hài hòa. Từ việc di dời khu công nghiệp Bình Đường, tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức rút kinh nghiệm triển khai rộng ra toàn tỉnh.

Khu công nghiệp Bình Đường được chọn thí điểm di dời, sau đó sẽ rút kinh nghiệm, trước khi nhân rộng. Ảnh: Đình Trọng

Khu công nghiệp Bình Đường được chọn thí điểm di dời, sau đó sẽ rút kinh nghiệm, trước khi nhân rộng. Ảnh: Đình Trọng

Di dời để tạo không gian phát triển

Theo UBND tỉnh Bình Dương, di dời các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp từ phía Nam lên phía Bắc của tỉnh Bình Dương có từ năm 2019. Theo thống kê sơ bộ có khoảng 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Việc này ảnh hưởng nhiều đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và sự phát triển đô thị.

Việc di dời nhà máy sản xuất công nghiệp sẽ tạo không gian để phát triển đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ảnh: Đình Trọng

Việc di dời nhà máy sản xuất công nghiệp sẽ tạo không gian để phát triển đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ảnh: Đình Trọng

Ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, nhà máy thực hiện di dời chủ yếu nằm ở phía Nam của tỉnh, giáp ranh TPHCM. Nguồn lực đất đai rất quan trọng khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Có di dời mới tạo ra không gian phát triển mới cho các địa phương phía Nam của tỉnh. Đặc biệt, trong bối cảnh khi tỉnh đang xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, việc di dời nhà máy sản xuất công nghiệp vào trong khu cụm công nghiệp xây dựng bài bản ở phía Bắc là cần thiết.