Tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7 để người lao động tránh cảnh quay cuồng trong cơn bão giá

Theo đại biểu Quốc hội, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng sớm bắt đầu từ ngày 1.7.2024 là rất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7 để người lao động tránh cảnh quay cuồng trong cơn bão giá

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Như Ý - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Bảo Hân

Hiện nay, Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định.

Trong văn bản tham gia góp ý về dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ LĐTBXH thời điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 vào ngày 1.7, trùng với thời điểm cải cách tiền lương khu vực Nhà nước.

Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ LĐTBXH rà soát việc điều chỉnh lương tối thiểu phải bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019.

Ngày 29.4, trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Như Ý - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - phân tích: Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động.

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2024 là rất cần thiết, đáp ứng mong muốn của người lao động. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2024 là rất cần thiết, đáp ứng mong muốn của người lao động. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Thực tế, cuộc sống người lao động hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn do lạm phát, trượt giá, mất giá của đồng tiền trong khi các chi phí thiết yếu như tiền xăng xe, điện nước, tiền thuê nhà... đều tăng.

Mặt khác, tình hình căng thẳng chính trị tại một số nước trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định kinh tế và chính trị trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vừa qua dẫn tới đời sống của người lao động còn gặp khó khăn nay càng khó khăn hơn. Nhiều người bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng, ngưng việc không có thu nhập nhưng lại phải chi trả những khoản tốn kém phát sinh thêm. Nhiều người lao động thật sự đang quay cuồng trong cơn “bão giá” hiện nay.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho rằng, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2024 là rất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

Điều này sẽ giúp thu nhập của người lao động ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao, bảo đảm với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, bù đắp cho các khoản sinh hoạt phí khác tăng cao trong thời gian qua.

Tại Đồng Nai - một địa bàn có nhiều khu công nghiệp và công nhân, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho rằng, điều này còn có ý nghĩa thu hút người lao động nhập cư trở lại các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất tại địa phương để tiếp tục làm việc sau khoảng thời gian trở về quê tránh dịch COVID-19.

Theo dự thảo Nghị định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ LĐTBXH đề xuất Chính phủ điều chỉnh các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng:

Vùng I là: 4.960.000 đồng/tháng;

Vùng II là: 4.410.000 đồng/tháng;

Vùng III là: 3.860.000 đồng/tháng;

Vùng IV là: 3.450.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 200.000 - 280.000 đồng (tương ứng tỉ lệ bình quân 6%) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu này cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2024 để cải thiện cho người lao động; dự kiến cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025.

Bộ LĐTBXH cũng đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ cũng được điều chỉnh tăng theo 4 vùng là:

Vùng I là: 23.800 đồng/giờ;

Vùng II là: 21.200 đồng/giờ;

Vùng III là: 18.600 đồng/giờ;

Vùng IV là: 16.600 đồng/giờ.