Khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm như Hà Nội, TPHCM

Tại phiên họp thứ 32 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm như Hà Nội, TPHCM

Đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội) thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt cứng phương tiện. Ảnh: Hữu Chánh

Một trong những nội dung được đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh trong báo cáo là tại các khu đô thị lớn, mật độ dân số quá cao ở khu vực trung tâm, tỉ lệ đất dành cho giao thông chưa đảm bảo trong khi các loại hình vận tải công cộng còn hạn chế, dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải còn thiếu gây khó khăn trong việc tổ chức giao thông.

Về giải pháp, đoàn giám sát nhấn mạnh yêu cầu khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và TPHCM.

Đồng thời thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; rà soát, bố trí các vị trí đỗ xe tĩnh trong đô thị cho phù hợp; thực hiện nghiêm túc quy định về hành lang an toàn giao thông, không để xảy ra tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây cản trở giao thông.

Hiện tại, Hà Nội quyết tâm xây dựng mạng lưới vận tải đa phương thức, trong đó, đường sắt đô thị là “xương sống” của mạng lưới vận tải công cộng.

Theo đó, Hà Nội đã quy hoạch 10 tuyến với tổng cộng 418km đường sắt đô thị. Ngoài tuyến Cát Linh - Hà Đông, sắp tới thành phố vận hành đoạn trên cao của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, dài 8,5km.

Để thực hiện được nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2035 hoàn thành 50% và đến năm 2045 hoàn thành 100% đường sắt đô thị, Hà Nội phải thiết lập một đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40 tỉ USD, tức gần 1 triệu tỉ đồng. Ngoài việc nghiên cứu các nguồn lực thực tế, thành phố đang tập trung xem xét khả năng đầu tư công và thiết lập các cơ chế đầu tư mới.

Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội (HAPTA) - cho rằng, theo tính toán, xe buýt có thể đáp ứng được trên 34% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô nhưng hiện nay mới đạt khoảng 18% vì tốc độ di chuyển chậm hơn xe máy, người dân tiếp cận với xe buýt chưa thuận tiện. Xe buýt tốc độ khai thác trung bình hiện mới đạt 14-15km/giờ.

Do đó, ông kiến nghị phải tổ chức giao thông tiếp cận để người sử dụng phương tiện công cộng được thuận tiện, an toàn. Kiểm tra, giám sát và xử lý mọi hành vi chiếm dụng làn đường dành riêng cho các tuyến vận tải công cộng, chiếm dụng nhà chờ, điểm dừng, vỉa hè gây cản trở cho người bộ hành tiếp cận với hệ thống vận tải công cộng.

Tiến sĩ, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình (Trường Đại học Việt Nhật) - cho rằng, các nhóm giải pháp mà Hà Nội triển khai đều phù hợp, nhưng nguồn vốn có hạn và tốc độ triển khai chậm, nhất là việc xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị… nên tình hình ùn tắc giao thông vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Theo vị chuyên gia, không ít trường hợp, ùn tắc phát sinh từ việc dừng đỗ xe thiếu ý thức, tạo thành những nút thắt cổ chai trong giờ cao điểm. Nhiều trường hợp khác cố tình không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông…

Vì vậy, lực lượng chức năng nên tăng cường kiểm tra, xử phạt, nhất là phạt “nguội”, để từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Đây là công việc có thể làm ngay và rất cần thiết.

Năm 2024, để kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, ngành giao thông TPHCM phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác 12 công trình và khởi công 10 công trình.

Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, cấp bách như đường Vành đai 3, nút giao thông An Phú, mở rộng quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao thông Mỹ Thủy...

Song song đó, đưa vào vận hành khai thác tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).