Hà Nội: Cầu vượt trăm tỉ vắng bóng công nhân, tiếp tục chậm tiến độ

Hà Nội - Với tốc độ thi công "rùa bò" như hiện nay, nhiều người dân lo ngại dự án cầu vượt hình chữ C sẽ khó có thể hoàn thành trong quý I.2023.

Hà Nội: Cầu vượt trăm tỉ vắng bóng công nhân, tiếp tục chậm tiến độ

Dự án cầu vượt hình chữ C đã 2 lần chậm tiến độ. Ảnh: Hữu Chánh

Thi công với tốc độ "rùa bò"

Dự án cầu vượt hình chữ C được khởi công từ tháng 10.2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6.2022. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn nên đơn vị thi công cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 12.2022.

Song, do dự án tiếp tục gặp khó, nên lại đề xuất điều chỉnh thời điểm hoàn thành đến quý I.2023.

Theo ghi nhận của Lao Động, tuyến đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch là khu vực đông dân cư, có nhiều tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, cửa hàng mua sắm và trường học, mật độ giao thông lớn. 

 

 

 

  Tuyến đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch là khu vực đông dân cư, mật độ giao thông lớn. Ảnh: Hữu Chánh

Do đó, tình trạng thi công cầu vượt chữ C với tốc độ "rùa bò" khiến tuyến đường này phát sinh rất nhiều hệ lụy, tình trạng ùn tắc xuất hiện nhiều và kéo dài hơn trước.

"Từ khi dự án thi công, vào khung giờ cao điểm, các phương tiện phải xếp hàng dài, chen chúc từng chút và mất trung bình 15-20 phút để thoát ra khỏi đoạn đường gần 400m", ông Nguyễn Bá Thành (56 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết.

Cũng theo ông Thành, để phục vụ thi công, nhà thầu đã rào chắn khoảng 1/3 đường Phạm Ngọc Thạch và Chùa Bộc.

Tuy nhiên, hàng rào chắn bằng tôn tại nhiều nơi bị nghiêng ngả, xiêu vẹo, gây nguy hiểm cho người đi đường khi lưu thông qua khu vực này.

 

Công trường vắng bóng công nhân xây dựng chiều 8.2. Ảnh: Hữu Chánh

Ông Phạm Thành Lương (55 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho hay, việc các dự án giao thông trọng điểm như cầu vượt chữ C chậm trễ là một trong những nguyên nhân khiến bức tranh giao thông ở Hà Nội ngày càng tồi tệ, ùn tắc từ trong ra ngoài.

Dự án dù đã đã khởi công gần 2,5 năm nhưng chậm về đích cản trở lưu thông, gây nhếch nhác bộ mặt đô thị.

"Với tốc độ thi công như hiện ngay, tôi lo ngại dự án khó có thể hoàn thành trong quý 1.2023.

 

 Vướng mắc ở giấy phép vận chuyển và do "có những yếu tố chưa lường trước được" khiến dự án bị chậm tiến độ. Ảnh: Hữu Chánh

Từ đầu năm đến nay, công trường gần như vắng bóng công nhân xây dựng, các hoạt động thi công cũng diễn ra rất ít nếu không muốn nói hoàn toàn đình trệ", ông Lương nói và mong chủ đầu tư sớm giải quyết những vướng mắc, cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành dự án.

Vẫn chưa cấm đường để thi công giai đoạn 4

Trước đó, ngày 19.1, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội thông báo, từ ngày 1.2 - 28.4 sẽ tổ chức lại giao thông, cấm một số phương tiện để thi công dự án, giai đoạn 4 cầu vượt hình chữ C.

Tuy nhiên, theo ghi nhận vào chiều 8.2, tại trung tâm nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, hàng rào chắn chưa được thiết lập để phục vụ thi công hợp long kết cấu phần trên dự án xây cầu vượt chữ C tại nút giao này.

 

 

 

Hiện chủ đầu tư vẫn chưa triển khai cắm biển báo, hướng dẫn lưu thông qua nút giao này. Ảnh: Hữu Chánh

Về vấn đề này, Sở GTVT Hà Nội cho biết, do công tác chuẩn bị chưa xong nên phương án phân luồng, tổ chức lại giao thông tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch chưa được tiến hành.

"Hiện giờ, các đơn vị phải thi công toàn bộ hệ thống biển báo. Khi nào tất cả công tác chuẩn bị xong thì mới phân luồng", lãnh đạo Sở GTVT cho hay.

Khu vực này thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Hữu Chánh

Khu vực này thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Hữu Chánh

Ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, đường Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc liên tục ùn tắc kéo dài, nguyên nhân là do dự án cầu vượt chữ C liên tục chậm tiến độ.

"Việc thi công chậm gây ùn tắc trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư là Ban QLDA Đầu tư các công trình hạ tầng giao thông TP Hà Nội", ông Bảo nhấn mạnh.

 

 

 

Việc thi công chậm gây ùn tắc trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư. Ảnh: Hữu Chánh

Theo ông Bảo, Sở GTVT Hà Nội đã liên tục có văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công đảm bảo ATGT, phân công người hướng dẫn, tuy nhiên tình trạng ùn tắc vẫn không được cải thiện.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chống ùn tắc kéo dài gây bức xúc dư luận", ông Bảo nói.