Phát huy cách làm hay, hướng đi mới trong phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô
Sáng 8/2, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 06) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì hội nghị.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị |
Văn hóa, du lịch đang trên đà khởi sắc
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2022, việc triển khai Chương trình 06 đã được tập trung chỉ đạo thực hiện đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch đang trên đà khởi sắc.
Ban Chỉ đạo Chương trình 06 đã tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.
Các đoàn thể có nhiều hoạt động tích cực, cụ thể hóa Chương trình 06 bằng các dự án (từ 21 dự án đã cụ thể hóa thành 28 dự án thành phần); Tham mưu ban hành xác định nhu cầu, đề xuất danh mục đầu tư công giai đoạn 2022-2025, nhất là tập trung vào kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và nâng cấp, tu bổ di tích trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.
Nhờ đó trong năm 2022 đã có 9 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch năm. Trong đó, tỷ lệ Tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 72%, vượt 0,1%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%, vượt 0,03%; Tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2021; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021...
Chương trình 06 dự kiến danh mục 21 dự án, đã triển khai thành 28 dự án thành phần, tổng mức đầu tư 23.107,3 tỷ đồng; Đồng thời, đã có kế hoạch vốn 21 dự án với 14.200,6 tỷ đồng...
Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Một số Nghị quyết đề ra nhưng chưa tính toán đến điều kiện để thực hiện, việc phối hợp giữa các cơ quan, Sở, ban, ngành còn hạn chế nên kết quả đạt được chưa cao.
Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia hiện nay gặp những khó khăn. Các quận nội thành do quy mô dân số quá lớn, sự gia tăng các trường vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thiếu phòng học 2 buổi/ngày. Một số quận, huyện ngoại thành chưa bố trí được nguồn lực kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị đã trao đổi, thảo luận làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn thách thức khi thực hiện Chương trình; Đồng thời đưa ra các kế hoạch, giải pháp trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng các điểm đến mới, các sản phẩm du lịch nông nghiệp, đường sông để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cũng kiến nghị những giải pháp để thu hút du khách đến với Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, việc giáo dục di sản văn hóa trong các trường học của thành phố.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị các giải pháp để đưa môn học trải nghiệm văn hóa vào chương trình giáo dục phổ thông, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cho học sinh.
Lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị trao đổi, thảo luận tại hội nghị |
Xây dựng và bố trí nguồn lực theo hướng tự chủ
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao sự vào cuộc của các đơn vị, Sở, ngành trong năm qua để đạt được những kết quả nổi bật trong Chương trình 06. Đáng kể, nhiều địa phương đã có cách làm hay, hướng đi mới trong phát triển văn hóa, du lịch... để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý, trong năm 2023 sẽ sơ kết giữa nhiệm kỳ 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy; Do vậy, các thành viên trong Ban Chỉ đạo chú trọng đến các giải pháp, kiến nghị cụ thể để việc triển khai thực hiện Chương trình 06 đạt kết quả tốt nhất.
Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu chú trọng việc tham mưu Thành ủy xây dựng các thiết chế văn hóa với tầm nhìn đến năm 2050; Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình 06 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, có chiều sâu trong nhận thức của người dân đối với vấn đề văn hóa.
Đối với các Sở, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình 06 của các địa phương; Khuyến khích các mô hình làm hay trong lĩnh vực văn hóa - du lịch để tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa theo hướng tự chủ; Có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ sĩ, nghệ nhân, các đơn vị sự nghiệp trong việc duy trì và quảng bá văn hóa.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong Chương trình 06; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong phát triển du lịch.
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo cần sớm có đề án, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông của Thủ đô; Chú trọng công tác quản trị trường học, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu các đơn vị liên quan chú trọng đến tính kế hoạch trong các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao… có tính thường niên lâu dài. Trong đó, các Sở, ngành tăng cường giao cho các đơn vị sự nghiệp của TP có năng lực tổ chức; Đẩy mạnh việc xã hội hóa trong tổ chức các sự kiện này...