Gỡ khó cho tàu cá đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP
Vì nhiều lý do, các tàu cá đóng theo vốn vay từ chính sách của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (thường gọi là tàu 67) hoạt động không hiệu quả khiến chủ tàu không có khả năng trả nợ. Hàng loạt chủ tàu cá đã bị khởi kiện ra tòa, phải bán tài sản để trả nợ, đòi hỏi các ngành chức năng và địa phương cùng vào cuộc tìm hướng tháo gỡ những khó khăn này.
TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa có 18 tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, gồm 17 tàu khai thác và 1 tàu dịch vụ hậu cần. Trải qua 8 năm, ngân hàng buộc phải bán đấu giá 4 tàu, 7 chủ tàu đang bị ngân hàng khởi kiện vì chậm trả lãi và gốc (trong đó có 1 tàu bị chìm) và chỉ còn 6 tàu đang khai thác. Ông Viên Đình Sỹ, chủ tàu cá TH 92929 TS, ở phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) cho biết, gia đình đã cầm cố cả sổ đỏ cho ngân hàng để được vay hơn 7 tỷ đồng đóng tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Năm 2022, tàu của ông phải nằm bờ 5 tháng, gặp rất nhiều khó khăn trong trả nợ vốn vay cho ngân hàng, hiện đứng trước nguy cơ bị khởi kiện ra tòa.
“Tàu của tôi còn được ngân hàng và Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa cho đi biển. Lúc nào ngân hàng yêu cầu trả nợ thì tôi phải bán nhà trả nợ thôi chứ không có cơ sở nào để trả nợ cả”, ông Sỹ thở dài. Cũng đang làm chủ một tàu cá 67, ông Phạm Gia Lực ở khu phố Toàn Thắng, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) thừa nhận: “Tôi và các chủ tàu 67 khác đều đang gặp khó khăn khi các chuyến ra khơi thua lỗ. Nguyên nhân vì chi phí một chuyến đi biển lớn, trong khi nguồn lợi lại cạn kiệt nên mỗi chuyến lỗ từ 50 đến 100 triệu đồng, thậm chí 200 triệu đồng. Để có tiền đi biển, chúng tôi đều phải đi vay nợ”.
Tàu cá của ngư dân tỉnh Tiền Giang đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP nằm tại cảng Vàm Láng, xã Kiểng Phước (Gò Công Đông, Tiền Giang) do đánh bắt không hiệu quả. Ảnh: GIA KHANG |
Theo ông Lê Văn Sáng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 58 tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Ngư dân đã phải vay ngân hàng khoảng 653 tỷ đồng. Sau gần 7 năm, các ngân hàng mới chỉ thu được khoảng hơn 87 tỷ đồng nợ. Tổng dư nợ cho đến hiện tại còn khoảng 566 tỷ đồng, trong đó có hơn 479 tỷ đồng nợ xấu. Nguyên nhân chậm trả nợ vốn vay được các chủ tàu đưa ra là do năng suất khai thác giảm, chi phí cho mỗi chuyến đi dài ngày tăng cao; nhiều ngư dân vận hành tàu vỏ thép không thông thạo, vấn đề bảo dưỡng tàu gặp nhiều khó khăn. Trước vấn đề này, Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho cơ quan cấp trên triển khai một số giải pháp để hỗ trợ cho các tàu 67, trong đó ưu tiên việc tìm kiếm những ngư trường mới để nâng cao thu nhập cho tàu cá.
“Ngành đã hướng dẫn bà con ngư dân vươn khơi, bám biển để có điều kiện trả nợ. Hiện nay đã chuyển hướng một số tàu tìm kiếm ngư trường mới tại phía Nam, vùng biển ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Phần lớn các tàu 67 vào phía Nam đều hoạt động ổn định, có hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ cho các tàu đóng hầm bảo quản theo công nghệ mới với số tiền 250 triệu đồng/tàu...”, ông Sáng cho biết.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối quý I-2022, tổng dư nợ cho vay theo chính sách của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là 9.482 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu chiếm tới 67,26%. Có tới 23/27 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ xấu cao hơn 50%. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết: “Toàn tỉnh đang có 57 tàu cá 67 hoạt động. Qua quá trình vận hành, có 4 tàu bị phía ngân hàng bán đấu giá, thu hồi nợ; 15 tàu khác, ngân hàng đang kiện chủ tàu ra tòa và chờ bán đấu giá tàu để thu hồi nợ. Nguyên nhân các tàu này thua lỗ là do ngư dân mới lần đầu sử dụng tàu vỏ thép, vỏ composite nên chưa quen vận hành, bảo dưỡng và sử dụng tàu vào hoạt động khai thác, bảo quản sản phẩm nên hiệu quả khai thác chưa cao. Bên cạnh đó, nguồn lợi thủy sản giảm, sản lượng khai thác thấp. Ngoài ra, các chi phí khác như thuê thuyền viên, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm tăng cao liên tục từ năm 2019 đến nay khiến nhiều tàu phải nằm bờ, không đi khai thác dẫn đến khó trả nợ”.
Thông tin từ ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, đơn vị đã tham mưu cho bộ trình Chính phủ dự thảo nghị định mới để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tàu 67. Dự thảo nghị định này xây dựng theo hướng sẽ khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với chủ tàu không trả đúng nợ do nguyên nhân bất khả kháng như: Tàu bị hỏng, đâm va, chìm... Đối với chính sách đào tạo, sẽ chi trả 100% kinh phí đào tạo kỹ thuật điều khiển tàu, thuyền trưởng, máy trưởng, nâng cao trình độ cho ngư dân... Chính sách bảo hiểm thân vỏ tàu cũng điều chỉnh nâng mức hỗ trợ từ 50% hiện tại lên 70%, giảm gánh nặng cho chủ tàu. Chính sách duy tu tàu cá sẽ được thay đổi hình thức hỗ trợ, khi nào tàu đăng kiểm xong sẽ hỗ trợ một lần để giảm bớt thủ tục giấy tờ. Về quy định chuyển đổi chủ tàu 67, thời gian tới sẽ được điều chỉnh trên cơ sở là chủ tàu mới tiếp nhận cũng được UBND tỉnh, thành phố xét duyệt như ban đầu đóng mới.
Ông Nguyễn Văn Trung thông tin cụ thể về vấn đề này: “Chúng ta chuyển con tàu từ chủ cũ sang chủ mới, phương án đưa ra là những người mới lại được UBND tỉnh xét duyệt như ban đầu. Tài sản này được chủ cũ thẩm định lại là bao nhiêu thì người mới nhận nợ tính từ ngày đã giao, sau đó trả nợ cho ngân hàng, ký lại hợp đồng tín dụng. Người mới nhận cũng được hưởng các chính sách theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã quy định, kể cả lãi suất ưu đãi. Như vậy, nguồn nợ chênh lệch giữa chủ tàu cũ và mới thì ngân hàng yêu cầu chủ cũ phải chịu trách nhiệm trả”.
8 năm qua, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được xem là bước đột phá đối với ngành thủy sản hướng tới mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ đã thu được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước những khó khăn của tàu 67 như hiện nay, rất cần các giải pháp thiết thực, hiệu quả từ phía cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để ngư dân tiếp tục vươn khơi, phát triển kinh tế và trả dần các khoản nợ với thời hạn phù hợp.