Cần có giải pháp lâu dài, bền vững

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn có những chính sách quan tâm, ưu tiên đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Đây là giải pháp căn bản tạo sinh kế bền vững cho bà con, để các địa phương thực hiện mục tiêu ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà hiện nay, công tác dạy nghề cho đồng bào DTTS còn một số khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Là tỉnh có tới 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm hơn 35%, tỉnh Đắc Lắc luôn quan tâm tổ chức thực hiện các chính sách an sinh cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo số liệu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắc Lắc, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 169.917 lao động, trong đó, lao động người DTTS là 27.667 người.

Vợ chồng chị H’Kiêm Niê ở xã Ea Tul, huyện Cư M’gar cưới nhau được 5 năm nay. Sau khi lập gia đình, vợ chồng chị được bố mẹ cho hai sào đất ra ở riêng. Trông chờ vào ruộng vườn không đủ sống, vợ chồng chị phải đi làm thuê theo thời vụ để có thêm thu nhập. Tận dụng thời gian, chị chăn nuôi gia cầm. Còn chồng chị, anh Y Ré Niê chỉ quen việc làm nông, nhưng do gia đình có ít đất đai nên một năm làm vài ba tháng là hết việc. Thời gian rảnh rỗi, ai thuê gì thì anh làm nấy, nhưng công việc cũng không thường xuyên nên anh mong muốn công việc ổn định hơn để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chị H’Kiêm Niê cho biết: “Tôi mong được các cơ quan, ban, ngành tạo điều kiện như thành lập hợp tác xã trong buôn để giải quyết phần nào việc làm cho chị em phụ nữ và phát triển kinh tế nông thôn. Có việc làm rồi chúng tôi mới có điều kiện để có thêm thu nhập cho gia đình”.

Dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc. 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, song hiện nay, việc khai thác nguồn lực này vào sản xuất, kinh doanh của huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc còn thấp. Nguồn nhân lực là thanh niên của huyện Cư M’gar tuy dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Dù là huyện có số lượng lao động lớn nhưng thực tế, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm lại tương đối cao.

Đây không chỉ là vấn đề của huyện Cư M’gar mà là tình cảnh chung của nhiều tỉnh, thành phố có đông đồng bào DTTS sinh sống. Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đồng bào DTTS chiếm hơn 80% dân số, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp; thương mại và dịch vụ còn chậm phát triển; đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện chiếm hơn 75% dân số và hơn 50% lực lượng lao động xã hội. Đa số người lao động ở khu vực này là người DTTS, dù có mật độ dân số thấp nhưng do địa hình đồi núi cao, chia cắt nên đất sản xuất không nhiều, sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, người dân nông thôn ngoài hai vụ trồng lúa thì thời gian còn lại rất khó tìm được việc làm.

Chị Nông Thị Tước ở xã Hạ Vị, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Hoàn cảnh kinh tế của gia đình tôi rất khó khăn. Trước đây, tôi cũng có tham gia học lớp dạy may trong thời gian 3 tháng. Tuy nhiên, do thời gian ngắn nên không học được nhiều, bên cạnh đó gần nhà không có nhà máy may nên học xong tôi không có việc làm, lại trở về nhà làm ruộng. Chúng tôi mong có chính sách đào tạo nghề phù hợp với trình độ của mình để sau khi học nghề có thể xin được việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Triệu Thị Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Để giúp lao động DTTS có việc làm ổn định, thời gian qua, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện lồng nghép công tác đào tạo nghề với các tổ chức chính trị-xã hội. Tiêu biểu là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với Đề án 295 và Đề án 1956, phối hợp dạy nghề theo Chương trình 135 và các chương trình khác. Các chương trình chủ yếu hướng tới dạy nghề nông nghiệp, phù hợp với trình độ, khả năng của người dân và thế mạnh của địa phương...”.

Tuy nhiên, theo bà Triệu Thị Phương, việc tổ chức lớp dạy nghề cho đồng bào DTTS ở Bắc Kạn cũng gặp những khó khăn như điều kiện giao thông không thuận lợi, trình độ của đồng bào không đồng đều. Một số nơi, cách tổ chức lớp học chưa phù hợp với tập quán sản xuất, văn hóa và địa bàn nên chưa thu hút được người dân. Bên cạnh đó, sau khi kết thúc mỗi khóa đào tạo hay dạy nghề, người lao động không có vốn để đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm tiếp tục nhân rộng, duy trì ngành nghề đã học. Còn đối với lao động tay nghề lĩnh vực phi nông nghiệp như may, xây dựng... người lao động lại không muốn đi làm xa, bận chăm sóc con cái... nên sau học nghề, họ ở lại phục vụ gia đình.

Để giúp lao động là người DTTS có việc làm ổn định, ông Đinh Xuân Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, người có gần 50 năm sinh sống cùng đồng bào DTTS, cho biết: “Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trong việc đào tạo nghề, hỗ trợ nghề, kết quả cũng rất khả quan. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân ở vùng DTTS còn bất cập nên kết quả đạt được chưa thực sự như mong muốn. Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo nghề mới chỉ dạy những nghề mà mình có chứ chưa hướng đến đào tạo nghề mà thị trường cần, vì vậy, nhiều đồng bào DTTS sau khi học nghề thì không có được việc làm.

Cùng với đó, đồng bào DTTS tham gia các lớp học nghề vẫn phải đóng học phí, tiền ăn, ở như bình thường nên nhiều người không có điều kiện theo học. Thời gian qua có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào miền núi nhưng thực tế những chính sách này chưa đồng bộ, cơ chế thực thi còn thiếu đổi mới, chưa mang tính đột phá. Một số chính sách ban hành chưa tính đến việc tạo động lực cho người dân chủ động vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, một số chính sách cho đồng bào DTTS và miền núi chưa thực sự quan tâm đến mọi đối tượng trên cùng một địa bàn, chưa thực sự chú trọng đến phong tục tập quán của đồng bào cũng như đặc thù của từng vùng trong quá trình xây dựng chính sách, do đó thực hiện chính sách ít khuyến khích được ý thức vươn lên của đồng bào”.

Cũng theo ông Đinh Xuân Thắng, hiện nay, nguồn nhân lực DTTS còn nhiều hạn chế. Chỉ có khoảng 6,2% lao động người DTTS được qua đào tạo từ sơ cấp trở lên, một số nhóm người DTTS như: S’Tiêng, Brâu, Mảng... gần như chưa được đào tạo. Thực trạng như vậy dẫn đến tay nghề lao động DTTS rất hạn chế, chưa phù hợp với những ngành nghề công nghệ cao, kỹ năng cao như tin học, sản xuất máy tính, công nghiệp điện... Trong thời gian tới, cần rà soát lại hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là những chính sách phục vụ cho việc đào tạo nghề cho nhóm đối tượng này... Có như vậy mới bảo đảm sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào DTTS.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH - HOÀNG GIA

Tags: qdnd
Lượt xem: 76
Tác giả: admin1