Quảng Ninh: Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, cạnh tranh, bền vững

Hội nghị "Kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại - dịch vụ tham gia hoạt động Thương mại điện tử tại Quảng Ninh” là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022.

Ngày 29/4/2022, tại Cung Quy hoạch Hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Công thương Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại - dịch vụ tham gia hoạt động Thương mại điện tử tại Quảng Ninh”. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022 diễn ra từ ngày từ 28/4 đến 3/5/2022.

Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông đặc sản của địa phương

Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã bùng nổ và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam. Nhiều địa phương đã gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, kéo theo tình trạng đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động sản xuất kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Quảng Ninh: Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, cạnh tranh, bền vững

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết: Trong bối cảnh đó, thị trường đòi hỏi cần có sự thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Từ đó, hình thức mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến ngay với các sản phẩm như nông sản, thực phẩm chế biến... việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp mới và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông đặc sản của địa phương hay các sản phẩm OCOP của địa phương.

Ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh: Đóng góp của các đại diện đến từ các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Tiki, Lazada,Voso, Postmart… cùng các đối tác như VPBank, Visa hay Icheck… đã hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp địa phương giúp phân phối sản phẩm trên sàn cũng như các giải pháp hỗ trợ tài chính số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số; Phát triển công nghệ và thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử.

Quảng Ninh: Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, cạnh tranh, bền vững

Các đại biểu tham dự hội nghị

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương, của các sàn thương mại điện tử, các đơn vị vận chuyển cũng như các đối tác trung gian thanh toán...

Ứng dụng công nghệ số để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh

Tại Hội nghị, đại diện các sàn thương mại điện tử uy tín tại Việt Nam và các đối tác đã cùng chia sẻ và thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phân phối sản phẩm trên sàn cũng như các giải pháp hỗ trợ tài chính số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp Quảng Ninh cũng như doanh nghiệp các tỉnh, thành phố tiếp cận với phương thức phân phối hiện đại, phương thức thanh toán và logistics hiện đại khi ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp mình.

Quảng Ninh: Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, cạnh tranh, bền vững

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh cho biết: Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, hàng năm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử với nhiều giải pháp đề ra. Qua đó góp phần thích ứng tốt với xu hướng và thời đại, tạo được môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, từng bước đưa hoạt động thương mại điện tử của tỉnh hội nhập với trong nước và quốc tế.

Trong năm 2022, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh cập nhật, nâng cấp Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh trên internet thành Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh. Bên cạnh việc hỗ trợ các thương nhân, tổ chức, cá nhân giới thiệu, mua bán sản phẩm OCOP Quảng Ninh trên Sàn, Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh cũng là kênh cung cấp sản phẩm OCOP chính hãng cho khách hàng.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất, triển khai thực hiện truy xuất sản phẩm nông sản, Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần iCheck Nguyễn Văn Chính cho biết: Công ty đã nghiên cứu và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn Quốc gia trong vòng hơn 5 năm. Với hệ thống này, doanh nghiệp có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống giám sát chặt chẽ. Nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ dễ dàng đạt điều kiện đầu vào các chuỗi siêu thị, sàn thương mại điện tử và nâng cao giá trị nhờ chứng minh được chất lượng khác biệt.

Quảng Ninh: Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, cạnh tranh, bền vững

Các đại biểu tham quan gian hàng bên lề hội nghị

“Đến nay chúng tôi tự hào đã đồng hành và hỗ trợ nhiều tỉnh thành triển khai Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuẩn Quốc gia và chuẩn GS1 TRACE.ICHECK.VN cho nhiều tỉnh thành trên cả nước như tỉnh Hà Giang, Hà Tĩnh, Yên Bái, Hậu Giang, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang)...” ông Chính chia sẻ.

Với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp địa phương và phân phối sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, ông Đỗ Quang Hải, đại diện từ Sàn thương mại điện tử Voso chia sẻ: Voso luôn hướng đến tiên phong trong việc kết nối tiêu thụ nông sản, kết nối giao thương giữa thành thị và nông thôn, nâng cao giá trị đặc sản. Trong đó, đặc biệt chú trọng phối hợp cùng các hộ sản xuất nông nghiệp, các tỉnh thành đưa toàn bộ sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu người dùng, tối ưu thời gian giao hàng nhanh chóng, Voso đã ứng dụng giải pháp công nghệ, logistics để mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm tốt nhất. “Với lợi thế bảo trợ bởi Viettel Post, cùng mạng lưới chuyển phát rộng khắp hơn 1.300 bưu cục và 6.000 điểm giao dịch, Voso tự hào là sàn thương mại điện tử mang đến dịch vụ an toàn và uy tín cho khách hàng cả nước, kết nối tới 60 triệu người dùng.” ông Hải nhấn mạnh.

Quảng Ninh: Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, cạnh tranh, bền vững

Hội nghị "Kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại - dịch vụ tham gia hoạt động Thương mại điện tử tại Quảng Ninh” là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022

Từ năm 2021, Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh đã gắn liền với các sàn giao dịch thương mại điện tử, với hình thức bán hàng trực tuyến đến tận tay người tiêu dùng. Việc tiêu thụ sản phẩm được các đơn vị ngoài việc kết nối đưa vào các siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ còn được đưa sản phẩm lên “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các Sàn Thương mại điện tử uy tín như Sendo.vn; Tiki.vn; Voso.vn; Postmart Lazada.vn, Shopee.vn...

Theo kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, Quảng Ninh vẫn tiếp tục đứng đầu cả nước. Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc về điểm số PCI. Tỉnh Quảng Ninh đã giữ vững “địa bàn an toàn - ổn định - phát triển”, thực hiện thành công “mục tiêu kép” với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 10,28%, đứng thứ 2 toàn quốc về tăng trưởng kinh tế GRDP và ghi dấu ấn 6 năm liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử khẳng định, Cục sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, phát triển bán lẻ trực tuyến trong thời đại công nghệ 4.0. Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử kỳ vọng, thời gian tới, thương mại điện tử là một hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến tại Quảng Ninh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương, đồng thời, giúp Quảng Ninh xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Lượt xem: 181
Tác giả: Khắc Nam
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...