Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm 2022: Nhiều tín hiệu khởi sắc

Số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố về bức tranh kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm cho thấy những tín hiệu khởi sắc.

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021; cao hơn cả 2 năm trước dịch là 2018 và 2019. Đáng chú ý, Bắc Giang còn tăng 43%, Bắc Ninh là 20% - đây là hai tỉnh ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh vào cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng tới so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Một dấu hiệu khác cho thấy tín hiệu phục hồi kinh tế rõ nét hơn là trong tháng 5, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở mức cao nhất cùng kỳ 5 năm qua: 13,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới; tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 98,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2022 - tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng từ đầu năm nay có 19,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

 

Bức tranh về sản xuất công nghiệp, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp có nhiều điểm sáng trong 5 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Tổng cục Thống kê

Một điểm nhấn đáng chú ý là các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 7,71 tỷ USD; tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách 5 tháng đầu năm đã đạt 57,1% dự toán năm và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 đạt 172,9 nghìn lượt người; tăng 70,6% so với tháng trước và tăng gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ giữa tháng 3.

5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD.  Ảnh: Tổng cục Thống kê

Cùng với đó, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD; tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD).

Đáng chú ý là, quỹ đạo phục hồi kinh tế bước vào giai đoạn bứt tốc, nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, dù cao hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 1,1%.

Đặc biệt, vận tải hành khách tháng 5 khôi phục mạnh mẽ với số lượt hành khách vận chuyển tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển tăng 45,7%.

Với những số liệu vừa nêu của 5 tháng, một số dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý 3 sẽ là điểm nhấn, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế cả năm nay vượt mục tiêu đặt ra là 6-6,5%, thậm chí còn cao hơn mức 7%.

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn  

 

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% đến 6,5% là thách thức rất lớn

Mới đây, tại Kỳ họp thứ ba của Quốc hội, báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2022, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ; các công trình cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao.

Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, xã hội dần sôi động trở lại; những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư, công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 được thực hiện chu đáo, an toàn, thành công. Đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, dẫn đầu các nước đoạt huy chương vàng và tổng các loại huy chương...

Tuy nhiên, trước diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế, theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% đến 6,5% là thách thức rất lớn.

Dự kiến trong tuần này, Quốc hội sẽ dành hai ngày 1 và 2-6 để thảo luận ở hội trường kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022 và các thành viên Chính phủ cũng sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

THẢO PHƯƠNG

Tags: qdnd