Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị sớm hoàn thành Quy hoạch điện VIII

 Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan sớm hoàn thành Quy hoạch điện VIII.

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016-2021.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay Quy hoạch điện VIII là căn cơ để phát triển ngành điện lực, là cơ sở để xây dựng các cơ chế, chính sách, quyết định chủ trương đầu tư các dự án.

Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan sớm hoàn thành Quy hoạch điện VIII, bảo đảm tuân thủ tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị và 4 nguyên tắc.

Thứ nhất, bảo đảm tầm nhìn, tính tổng thể và toàn diện, tính đồng bộ, linh hoạt và có sự kế thừa của các quy hoạch giai đoạn trước; gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc; Khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế phát triển của các lĩnh vực, các địa phương và nền kinh tế.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị sớm hoàn thành Quy hoạch điện VIII

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong thời gian tới cần ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi do hiệu suất cao, không sử dụng đất, ít ảnh hưởng đến môi trường

Thứ hai, cung ứng đầy đủ nhu cầu điện năng ngày càng tăng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, trước thách thức thiếu hụt điện năng.

Thứ ba, xây dựng cơ cấu nguồn điện hợp lý, tăng khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm tiêu chí an toàn của hệ thống điện.

Thứ tư, bảo đảm tính cạnh tranh và phải giảm được giá điện đầu vào, từ đó giảm áp lực chi phí cho người dân, doanh nghiệp và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, có cơ chế mua - bán điện phù hợp.

Về định hướng phát triển cơ cấu nguồn điện, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét định hướng cho việc phát triển cơ cấu nguồn điện trong dài hạn (là cơ sở đưa vào Quy hoạch điện VIII hoặc các Quy hoạch phát triển điện lực thời kỳ sau, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế).

Cụ thể, đối với thủy điện đã hết dư địa phát triểnm gây ảnh hưởng đến môi trường, bị ảnh hưởng bởi hoạt động thủy điện của các quốc gia thượng nguồn trên những con sông quốc tế.

Nhiệt điện than thì gây ô nhiễm môi trường, phụ thuộc vào nguồn cung ứng than trong đó có than nhập khẩu, khó bảo đảm an ninh năng lượng nên cần hạn chế.

Còn nhiệt điện khí lại tập trung đẩy mạnh phát triển các dự án sử dụng nguồn khí đốt, LNG sản xuất trong nước, đặc biệt là nguồn khí từ các dự án mỏ khí đốt đã được cấp phép khai thác; Việc bố trí các dự án điện khí phải bảo đảm tận dụng nguồn tài nguyên khí của quốc gia, phát huy lợi thế về địa lý của các địa phương trong việc vận chuyển khí đốt, LNG.

Đối với điện mặt trời, giá thành hiện nay còn cao, phụ tải không bền vững, mặc dù đã phát triển quy mô lớn nhưng không đủ khả năng bảo đảm an ninh năng lượng, chiếm nhiều diện tích đất, chưa xác định rõ mức độ ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, cần xem xét, đánh giá lại hiệu quả của điện mặt trời để cân đối trong tổng thể chung

Đối với điện gió, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong thời gian tới cần ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi do hiệu suất cao, không sử dụng đất, ít ảnh hưởng đến môi trường và khu dân cư, điều kiện không gian cho phép đầu tư, khai thác quy mô lớn; góp phần phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đặc biệt cần nghiên cứu, thúc đẩy mô hình điện gió ngoài khơi kết hợp sản xuất các nguồn nhiên liệu “xanh” là hydrogen, ammonia.

Còn với điện hạt nhân, việc phát triển điện hạt nhân là giải pháp quan trọng, hữu hiệu để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên. Trước mắt, cần có chủ trương của Đảng về phát triển điện hạt nhân, trên cơ sở đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp.

Về cơ chế giá, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế đấu thầu/đấu giá hoặc cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế giá và sự kiểm soát của bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổng công ty điện).

Về hệ thống truyền tải, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm cụ thể hóa chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư lưới điện truyền tải theo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự” đã được Quốc hội thông qua.

Lượt xem: 163
Tác giả: Hậu Lộc