Căn cước công dân gắn chip có mức độ bảo mật như thế nào?
Thẻ CCCD chống sao chép, chống làm giả, chỉ khi chủ sở hữu xác nhận bằng sinh trắc khuôn mặt hoặc vân tay, dữ liệu cá nhân trong thẻ mới đọc được bằng thiết bị chuyên dụng.
Những tấm thẻ căn cước công dân gắn chip giờ đây đã trở nên rất phổ biến. Lần đầu tiên, công dân Việt Nam có thể thực hiện được rất nhiều loại giao dịch chỉ bằng một tấm thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, tránh được tình trạng phiền hà, lãng phí hay bị mạo danh chủ thể thẻ để lừa đảo.
Bởi vậy, có thể nói, thẻ CCCD gắn chip điện tử là tấm thẻ có ý nghĩa nhất đối với mỗi công dân Việt Nam, tuy nhiên, khả năng bảo mật của thẻ ra sao chắc hẳn còn ít người biết đến.
Chỉ là 1 tấm thẻ nhựa nhỏ nhưng không chỉ chứa đựng toàn bộ các thông tin cá nhân, tấm thẻ này có thể thay thế sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ ATM ngân hàng, thậm chí với những tính năng mở rộng sẽ được triển khai trong thời gian tới, thẻ căn cước công dân gắn chip còn có thể sử dụng thay cho cả giấy phép lái xe.
Được coi là nhân tố quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, giúp giảm thủ tục hành chính, bớt phiền hà cho người dân, thẻ CCCD gắn chip được trang bị những tính năng bảo mật ở mức cao nhất.
Chip trên thẻ căn cước công dân không được trang bị nguồn điện nên không thể cung cấp vị trí định vị chính xác của người mang theo thẻ. Loại chip này được đặt hàng từ Đức và gắn vào thẻ tại 1 nhà máy ở Việt Nam với quy trình bảo mật tuyệt đối.
Việt Nam là 1 trong số 22 quốc gia trên thế giới áp dụng công nghệ bảo mật cao nhất trong thẻ căn cước công dân gắn chip. Hiện Bộ Công an đang tích cực làm việc với các bộ ban ngành để đẩy nhanh tiến độ liên thông dữ liệu, hướng tới mục tiêu người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ căn cước công dân trong tất cả các thủ tục hành chính công và giao dịch cá nhân.