Thách thức chờ tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ

Trải qua 15 vòng bỏ phiếu với nhiều nhượng bộ mới có được chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ là những tín hiệu cảnh báo một nhiệm kỳ đầy thách thức đối với ông Kevin McCarthy...

Theo Reuters, sau khi giành được chiến thắng một cách chật vật ở Hạ viện, lãnh đạo phe Cộng hòa Kevin McCarthy đã tự tin tuyên bố với các phóng viên rằng: “Vì mất nhiều thời gian như vậy nên giờ đây chúng tôi đã học được cách quản lý. Vì vậy, giờ đây chúng tôi sẽ có thể hoàn thành công việc”. 

Tuy nhiên, có không ít sự hoài nghi đối với tuyên bố này bởi để đổi lấy chiến thắng, ông McCarthy đã phải đưa ra những lời hứa và nhượng bộ quan trọng, tự hạn chế quyền lực của chính mình và gia tăng ảnh hưởng của phe bảo thủ tại Hạ viện.

Cụ thể, ông McCarthy đã phải đồng ý với quy định đó là chỉ một hạ nghị sĩ cũng có thể kích hoạt cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện. Thực tế đây là quy tắc có lịch sử lâu đời tại Quốc hội Mỹ, nhưng trong những năm gần đây, Quốc hội đã tăng số người tối thiểu lên 5 nhằm ngăn chặn một hạ nghị sĩ cũng có thể đe dọa quyền lực của chủ tịch. 

Tân Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (người giơ tay) nắm quyền lực giữa những nghi ngờ và phản đối. Ảnh: Reuters 

Với quyết định nhượng bộ này, giới phân tích nhận định các thành viên Hạ viện có thể kích hoạt vòng bỏ phiếu khác, dẫn đến thế bế tắc tương tự những gì diễn ra trong 4 ngày qua khi Hạ viện không thể bầu được chủ tịch mới. Điều này buộc ông McCarthy phải cẩn trọng hơn mỗi khi đưa ra quyết định và các quyết định của ông chắc chắn sẽ khó khăn hơn để được chấp thuận. 

Một trong số các quyết định đó có thể liên quan tới vấn đề chi tiêu tài chính. Trong cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện, các đảng viên bảo thủ yêu cầu ông McCarthy cam kết thực hiện các hạn chế tài chính, bao gồm cắt giảm chi tiêu xuống bằng mức năm 2022 và yêu cầu cắt giảm ngân sách tương ứng mỗi khi vay thêm nợ. Ông McCarthy đã cam kết đứng về phía nhóm này trong các cuộc tranh luận nội bộ về ngân sách. Điều này có thể khiến ông có ít cơ hội tìm ra giải pháp thỏa hiệp cần thiết nhằm ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ vào cuối năm nay.

Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông McCarthy đã tuyên bố sẽ nỗ lực chấm dứt hoạt động chi tiêu công lãng phí và ngăn tình trạng nợ quốc gia phình to. Theo hãng tin Sputnik, phát biểu tại phiên họp Hạ viện, tân Chủ tịch Hạ viện cam kết ngừng chi tiêu công lãng phí, giảm giá hàng tạp hóa, xăng, ô tô, nhà ở và ngăn tình trạng nợ quốc gia ngày càng gia tăng. Ông khẳng định Hạ viện sẽ giải quyết các thách thức dài hạn của nước Mỹ, trong đó có vấn đề nợ công, và Quốc hội Mỹ cần có “có tiếng nói thống nhất”. Hạ viện cũng đang lên kế hoạch thành lập một ủy ban chọn lọc lưỡng đảng về Trung Quốc “nhằm tìm ra cách đưa hàng trăm nghìn việc làm quay trở lại nước Mỹ”.

Ông McCarthy cũng đồng ý theo đuổi việc cắt giảm sâu chi tiêu của chính phủ để đạt được ngân sách liên bang cân bằng trong 10 năm, bắt đầu từ tháng 10. Ông cũng hứa với những người chỉ trích đường lối cứng rắn của ông rằng mình sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đối với các ủy ban chủ chốt.

Nhưng xem ra để hiện thực hóa các tuyên bố của mình, ông McCarthy sẽ phải vượt qua không ít rào cản. Một nhóm nhỏ những người theo đường lối cánh hữu chỉ trích ông, người từng lãnh đạo phe thiểu số kể từ năm 2019, là mềm mỏng và quá cởi mở để thỏa hiệp với Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ, những người cũng kiểm soát Thượng viện Hoa Kỳ. Chưa kể có ý kiến thẳng thừng tuyên bố không tin tưởng khi trao quyền lực cho ông McCarthy. 

Trong bối cảnh đó, sự thỏa hiệp sẽ là rất cần thiết trong một chính phủ bị chia rẽ và sự nhượng bộ của ông McCarthy làm tăng nguy cơ hai bên không thể đạt được thỏa thuận khi chính phủ liên bang đưa ra hạn mức nợ 31,4 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay. Việc không đạt được thỏa thuận, hoặc thậm chí là bế tắc kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, ông McCarthy được cho là cũng phải đáp ứng các ưu tiên của nhóm đảng viên cực hữu phe Cộng hòa. Trong đó bao gồm vấn đề giới hạn nhiệm kỳ quốc hội và an ninh biên giới-các chủ đề thường được các đảng viên Cộng hòa đem ra tranh luận. Ông McCarthy được cho là đã cam kết tổ chức bỏ phiếu cho cả hai vấn đề này trong năm nay. Hạ viện chắc chắn sẽ phải nhanh chóng giải quyết vấn đề nhập cư vì thắt chặt an ninh biên giới và chính sách nhập cư vốn là trọng tâm trong chương trình nghị sự của Đảng Cộng hòa kể từ khi ông Donald Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2015. 

Còn về giới hạn nhiệm kỳ quốc hội, quyết định cải cách có thể sẽ đòi hỏi sửa đổi hiến pháp, vì Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết rằng nỗ lực hạn chế nhiệm kỳ của các nghị sĩ quốc hội là vi hiến.

Tất cả đều sẽ là những thách thức nhiệm kỳ của tân Chủ tịch Hạ viện McCarthy trong bối cảnh ông lên nắm quyền lực trong sự chia rẽ và nước Mỹ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cần giải quyết. 

XUÂN PHONG

 

Lượt xem: 12
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết