Nền kinh tế Nga đã vượt “sóng thần” cấm vận như thế nào?

Khi Nga bắt đầu Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022, Mỹ và phương Tây đã áp đặt 17.500 lệnh trừng phạt “chưa từng có tiền lệ” đối với Moscow.

Tuy nhiên, trái với những hy vọng của Mỹ và phương Tây về việc nền kinh tế Nga sẽ sớm sụp đổ vì cấm vận và hoạt động quân sự tại Ukraine, Moscow không chỉ vượt qua khó khăn, mà còn đưa kinh tế Nga phát triển.

Những con số biết nói

Các lệnh trừng phạt trừng phạt mà Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi là “địa ngục” đã không xé nát nền kinh tế Nga “thành từng mảnh”. Ngược lại, GDP của Nga tăng trưởng trong cả năm 2022 và 2023.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2023, Nga đã vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 5 thế giới, vượt qua Đức. Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá: “Nền kinh tế Nga hóa ra có khả năng chống lại các lệnh trừng phạt tốt hơn nhiều so với các dự đoán của giới chuyên gia”.

Nền kinh tế Nga vẫn đứng vững sau "sóng thần" 17.500 lệnh cấm vận từ Mỹ và phương Tây. Ảnh: Lenta 

Xung đột quân sự không gây ảnh hưởng, mà còn tạo động lực phát triển cho toàn bộ nền kinh tế Nga. Điều này được thể hiện qua những con số: Tỷ lệ thất nghiệp ở Nga ở mức thấp kỷ lục 3,2%; mức tăng lương của người lao động đạt 7,6%, sau khi trừ đi lạm phát; năng suất công nghiệp tăng 78,5% (mức cao nhất kể từ năm 1990); tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 3,5% vào cuối năm 2023; kim ngạch thương mại bán lẻ tăng 6%; doanh thu dịch vụ tăng 12%...

“Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và khủng hoảng nghiêm trọng xảy ra ở các nền kinh tế của Liên minh châu Âu, Anh và ở mức độ thấp hơn ở Canada và Nhật Bản, Ấn Độ, Kazakhstan, thì Nga lại đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong năm 2023, kinh tế Nga đã tăng trưởng 3,6%. Chúng ta vẫn đang bền bỉ trong “cuộc đọ sức” này”, Vasily Koltashov, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế-Chính trị Nga, cho biết.

Điểm đáng chú ý khác là trong 2 năm qua, Nga đã loại bỏ đồng USD và Euro trong ngân quỹ quốc gia. Tính tới đầu năm 2024, Nga đã tăng dự trữ các loại ngoại tệ “thân thiện” lên mức 12.000 tỷ rúp và tăng sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch quốc tế.

“Trước xung đột, phần lớn thương mại quốc tế ở Nga được thực hiện bằng USD và Euro. Hiện tại, các giao dịch của Nga được phân chia 30% là USD, 30% là Nhân dân tệ, 30% là đồng rúp. Đối với chúng tôi và đối với một số thị trường khác, đây là những thay đổi rất lớn”, nhà phân tích tài chính Nga Dmitry Golubovsky cho biết.

Cuối năm 2023, tỷ trọng giao dịch Nhân dân tệ trên Sàn giao dịch Moscow đạt gần 42%, soán ngôi vị của đồng USD. Khối lượng giao dịch bằng tiền Trung Quốc tăng gấp 3 lần, lên 34.200 tỷ rúp.

Sự thừa nhận từ chính chuyên gia phương Tây

Việc nền kinh tế Nga đứng vững trong cấm vận cũng nhận được sự tán đồng từ truyền thống và giới chuyên gia phương Tây. Theo đánh giá của Mordern Diplomacy, Nga đã vượt qua được hàng rào trừng phạt từ phương Tây, thậm chí làm tốt hơn những bên áp đặt trừng phạt trong phát triển kinh tế.

David H. Rundell, cựu trưởng phái đoàn tại Đại sứ quán Mỹ ở Saudi Arabia khẳng định với Newsweek rằng, sự thật rõ ràng là Nga đã vượt qua những trừng phạt của phương Tây nhằm làm tê liệt nền kinh tế để buộc Moscow phải nhượng bộ trong cuộc xung đột với Ukraine.

Nhờ sự chuẩn bị và khả năng thích nghi, người Nga đã chứng minh không dễ bị đánh gục chỉ bằng các lệnh cấm vận. Ảnh: Theconversation 

Nền kinh tế Nga duy trì và phát triển nhờ Moscow đã có sự chuẩn bị trước và có trữ lượng lớn vàng, ngũ cốc, dầu mỏ lớn. Cùng với đó, Moscow cũng có nhiều quốc gia đối tác giúp lách qua các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.

Ngay khi việc xuất khẩu năng lượng sang phương Tây bị chặn do xung đột tại Ukraine, Nga bắt đầu chuyển hoạt động này sang Trung Quốc và Ấn Độ bằng cách giảm giá. 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga là sang hai quốc gia này. Con số này tại châu Âu, nơi từng nhập 40% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga, giảm xuống còn 4% đến 5%.

Để lách các lệnh trừng phạt vận chuyển và bảo hiểm vận tải biển của phương Tây, Nga đã tập hợp một “hạm đội tàu chở dầu” quy mô để cho thuê hằng trăm tàu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, xuất khẩu dầu của Nga đã có thời điểm vượt 7,5 triệu thùng mỗi ngày.

Thông qua những đối tác như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia Trung Á, Nga vẫn duy trì vận chuyển hàng hóa công nghệ cao. Ví dụ, nhập khẩu ô tô và phụ tùng phương Tây vào Kyrgyzstan, một quốc gia Trung Á đã tăng hơn 5.000% trong năm 2023.

Cùng với đó, Nga vẫn duy trì là quốc gia sản xuất và nhiều tài nguyên quan trọng hàng đầu thế giới, trong đó kim cương tự nhiên giữ vị trí số 1 thế giới. Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, thị phần xuất khẩu lúa mì toàn cầu của Nga đã tăng mạnh trong hai năm qua. Vì biến đối khí hậu, Nga đã có một vụ thu hoạch ngũ cốc bội thu, trong bối cảnh nhu cầu lương thực trên thế giới tăng cao do các gián đoạn các chuỗi cung ứng do chiến sự và các lệnh cấm vận. Điều này tạo lợi thế cho Nga về nguồn cung và giá cả.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Absatz, Lenta, TASS…)

Tags: Nga
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...