Nỗ lực đưa quan hệ Trung Quốc - Australia trở lại đúng hướng

Ngày 15-6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tới Adelaide, bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia kéo dài 4 ngày. Chuyến thăm là chỉ dấu cho thấy cả hai nước đã sẵn sàng “gác lại bất đồng” đưa quan hệ song phương trở lại bình thường sau thời gian “băng giá”.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Thủ tướng Lý Cường nêu rõ: “Sự tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm điểm chung trong khi gạt sang một bên những bất đồng và hợp tác cùng có lợi là chìa khóa để cải thiện mối quan hệ Trung Quốc-Australia. Một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện chín muồi, ổn định và mang lại nhiều kết quả sẽ là tài sản chung của người dân hai nước”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Jakarta (Indonesia), tháng 9-2023. Ảnh: Tân Hoa xã 

China Daily cho hay, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Lý Cường và người đồng cấp Australia Anthony Albanese sẽ đồng chủ trì Hội nghị lãnh đạo thường niên Trung Quốc-Australia lần thứ 9 và cùng tham dự Hội nghị bàn tròn CEO Trung Quốc-Australia. Lưu ý rằng chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Australia (2014-2024), tờ báo dẫn lời Thủ tướng Lý Cường bày tỏ mong muốn trao đổi quan điểm với các nhà lãnh đạo Australia, với người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội về quan hệ Trung Quốc-Australia và các vấn đề hai bên cùng quan tâm, cũng như cùng thảo luận về hợp tác, phát triển và củng cố tình hữu nghị.

Trên Global Times, chuyên gia Chen Hong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Australia tại Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) nhận định, việc hai nhà lãnh đạo cùng tham dự hội nghị bàn tròn cho thấy Bắc Kinh và Canberra đề cao mối quan tâm đối với hợp tác và trao đổi kinh tế-thương mại. Cùng với đó, tăng cường tin cậy chính trị nhằm xóa tan hiềm khích cũng được cho là sẽ nằm trong nội dung chương trình nghị sự của chuyến thăm. Là hai quốc gia quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc và Australia “cần có tiếng nói chung và cùng nhau thúc đẩy hòa bình và phát triển ở khu vực”-chuyên gia Chen Hong khẳng định. 

Thời gian qua, Chính phủ Australia thể hiện mong muốn sẵn sàng cải thiện quan hệ song phương và đã nỗ lực đưa mối quan hệ trở lại đúng hướng. Điều này có thể thấy rõ qua cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước tại Bali, Indonesia năm 2022 và sau đó là chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Albanese năm 2023. Còn lần này, Australia đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường “là cơ hội để cả hai bên tham gia trực tiếp vào các vấn đề quan trọng của hai nước”. Canberra tiếp tục theo đuổi mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh, “lấy đối thoại làm nền tảng cốt lõi”, như lời Thủ tướng Albanese nói với AP.

Theo nhận xét của Tân Hoa xã, trong tiến trình lịch sử, Trung Quốc và Australia “từ lâu đã sát cánh cùng nhau tiến lên phía trước” và đều được hưởng lợi từ hợp tác song phương. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, quan hệ giữa hai bên đối mặt với nhiều thách thức. Chịu ảnh hưởng từ áp lực bên ngoài, một số chính trị gia Australia coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa đối với nước này, từ đó đưa ra những động thái bất lợi như cấm các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G của Australia, Canberra tham gia Hiệp ước đối tác an ninh 3 bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS)... “Những động thái này đã phá vỡ quỹ đạo tích cực của hợp tác Trung Quốc-Australia, gây ra căng thẳng kinh tế và thương mại”, Tân Hoa xã nhấn mạnh.

Bất chấp những khác biệt và có giai đoạn leo thang căng thẳng, hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo trong quan hệ hai nước. Từ năm 2009, Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu và nguồn nhập khẩu lớn nhất của Australia trong 15 năm liên tiếp. Năm 2023, thương mại hàng hóa song phương tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước đó, trong khi đầu tư của Australia vào Trung Quốc tăng 11,7% so với năm trước. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu chính các sản phẩm nông nghiệp và khoáng sản từ Australia.

HÀ PHƯƠNG

Tags: Australia