Đồng minh xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới giảm nguồn cung cho Mỹ

Saudi Arabia có thể cắt giảm xuất khẩu dầu sang Mỹ vào tháng 7, dự kiến dẫn đến việc thắt chặt thị trường phương Tây.

Đồng minh xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới giảm nguồn cung cho Mỹ

Nhà máy lọc dầu của Saudi Aramco ở Saudi Arabia. Ảnh: Xinhua

Bloomberg đưa tin, Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - sẽ đơn phương giảm sản lượng dầu thô 1 triệu thùng/ngày vào tháng tới, tương đương mức giảm 10%.

Động thái này sẽ cắt giảm tổng sản lượng từ nước đồng minh của Mỹ xuống còn 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Sau khi cắt giảm sản lượng, Riyadh sẽ có chưa đến 6 triệu thùng/ngày để xuất khẩu, theo ước tính của Bloomberg. Do đó, xuất khẩu dầu sang các nước phương Tây có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các chuyến hàng đến châu Á, thị trường chính của Saudi Arabia - Bloomberg dự đoán.

“Phần lớn trong số đó sẽ đi về phía đông Suez, nơi Saudi Aramco - gã khổng lồ dầu mỏ do nhà nước kiểm soát - đã nói với một số nhà máy lọc dầu châu Á rằng, họ sẽ nhận được số dầu thô như yêu cầu. Điều đó có nghĩa là bất kì sự cắt giảm nào cũng sẽ được cảm nhận ở phía tây Suez: Châu Âu và Mỹ” - tờ báo viết.

Ưu tiên cung cấp cho các thị trường châu Á truyền thống, Riyadh có thể giảm xuất khẩu sang Mỹ, khiến thị trường thắt chặt hơn, điều này sẽ được thể hiện rõ trong các báo cáo hàng tồn kho.

Aramco kiểm soát Motiva - nhà máy lọc dầu lớn nhất theo công suất ở Mỹ, đồng thời có thể ảnh hưởng đến nguồn cung 630.000 thùng/ngày ở nhà máy lọc dầu ở Port Arthur, Bloomberg lưu ý.

Mặc dù Mỹ hiện ít phụ thuộc hơn vào dầu thô của Saudi Arabia, nhưng “đây có lẽ là cơ hội tốt nhất để Riyadh có được mức giá khởi động lại” - tờ báo này tuyên bố.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman tiết lộ, việc cắt giảm sản lượng có thể được kéo dài sau tháng 7. Động thái tiềm năng này sẽ bổ sung vào các thỏa thuận cắt giảm tự nguyện giữa Riyadh và một số nhà sản xuất lớn của OPEC+, bao gồm cả Nga, có hiệu lực vào tháng 5.

Việc cắt giảm khoảng 1,66 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2023 vượt quá các thỏa thuận trước đó, khiến tổng sản lượng của OPEC+ giảm 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu dầu toàn cầu.