Chẳng phải Mỹ hay Trung Quốc, quốc gia châu Á này mới là thiên đường hàng hiệu, người tiêu dùng chịu chi nhất thế giới

Quốc gia châu Á này đang trở thành thiên đường hàng hiệu, giúp các thương hiệu xa xỉ ghi nhận doanh số gấp đôi trong khi các thị trường khác chứng kiến sự sụt giảm.

Chẳng phải Mỹ hay Trung Quốc, quốc gia châu Á này mới là thiên đường hàng hiệu, người tiêu dùng chịu chi nhất thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Những chiếc túi Prada bằng da bê, những chiếc áo khoác Burberry kẻ caro cổ điển của Anh hay những mặt hàng cao cấp từ các thương hiệu xa xỉ khác đang chứng kiến sức mua mạnh nhất thế giới tại thị trường này, tính theo đầu người, theo Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley.

Ngân hàng đầu tư đã ước tính tổng chi tiêu của Hàn Quốc cho hàng xa xỉ theo cá nhân đã tăng 24% vào năm 2022 lên 16,8 tỷ USD, tương đương khoảng 325 USD/người. Con số này cao hơn nhiều so với mức chi tiêu tương ứng là 55 USD và 280 USD/người của công dân Trung Quốc và Mỹ.

Moncler – một thương hiệu thời trang cao cấp đến từ Ý cho biết doanh thu của họ tại Hàn Quốc đã tăng gấp đôi trong quý 2 năm 2022 so với cùng kì trước khi dịch bùng phát. Tập đoàn Richemont, chủ sở hữu của Cartier, cho biết Hàn Quốc là một trong những khu vực có doanh số bán hàng tăng hai con số vào năm 2022, so với cả một năm và hai năm trước.

Trong khi Prada cho biết việc đóng cửa ở Trung Quốc đã góp phần làm giảm 7% hiệu suất bán lẻ năm 2022 của họ thì hãng thời trang này cho biết sự sụt giảm này đã được xoa dịu nhờ hiệu suất mạnh mẽ ở Hàn Quốc và thị trường Đông Nam Á.

Đằng sau mức doanh số tăng mạnh

Các nhà phân tích của Morgan Stanley giải thích nhu cầu về hàng xa xỉ của người mua Hàn Quốc được thúc đẩy bởi cả sự gia tăng sức mua cũng như mong muốn thể hiện địa vị xã hội ra bên ngoài.

Các nhà phân tích viết trong báo cáo: “Ngoại hình và thành công về tài chính có thể gây được tiếng vang lớn hơn với người tiêu dùng ở Hàn Quốc so với hầu hết các quốc gia khác."

Chẳng phải Mỹ hay Trung Quốc, quốc gia châu Á này mới là thiên đường hàng hiệu, người tiêu dùng chịu chi nhất thế giới - Ảnh 2.

Ảnh: CNBC

Sự phô trương của cải cũng được xã hội Hàn Quốc chấp nhận hơn. Một cuộc khảo sát của McKinsey cho thấy chỉ 22% người Hàn Quốc được hỏi coi việc khoe hàng xa xỉ là không tốt, so với 45% người Nhật Bản và 38% người Trung Quốc.

Nhu cầu về đồ xa xỉ cũng được hỗ trợ bởi sự gia tăng tài sản hộ gia đình. Dữ liệu của Ngân hàng Hàn Quốc cho thấy giá trị tài sản ròng của hộ gia đình nước này đã tăng 11% vào năm 2021. Khoảng 76% tài sản hộ gia đình ở Hàn Quốc là bất động sản và giá đã tăng đáng kể kể từ năm 2020.

Sở dĩ nhận được doanh số ấn tượng là bởi các nhãn hàng đã kết hợp đòn bẩy từ những người nổi tiếng – hiệu ứng từ làn sóng Hallyu - những idol từ các nhóm nhạc hàng đầu tại Hàn Quốc đang có sự nghiệp hết sức “lên hương”.

“Gần như tất cả những người nổi tiếng lớn của Hàn Quốc đều là đại sứ thương hiệu của những tên tuổi sang trọng bậc nhất,” như Fendi và nam diễn viên Lee Min-Ho hay Chanel và rapper G-Dragon.

Dior đã chọn ca sĩ của nhóm nhạc Blackpink - Rose làm gương mặt đại diện cho bộ sưu tập HardWear của mình, bộ sưu tập mà nhà mốt cho biết là được đón nhận nồng nhiệt và tăng gấp đôi doanh số cho dòng sản phẩm này.

Tuy nhiên, Morgan Stanley cho biết thị trường xa xỉ đang phát triển mạnh của Hàn Quốc là một “bản xem trước tốt” về những gì thị trường xa xỉ Trung Quốc có thể trở thành. Các nhà phân tích cho biết hai quốc gia có những điểm tương đồng trong xu hướng sử dụng các mặt hàng xa xỉ để đánh dấu địa vị.

Hiện tại, chi tiêu bình quân đầu người hàng năm của Hàn Quốc cho hàng xa xỉ vẫn cao hơn 6 lần so với chi tiêu của người Trung Quốc.

Trên toàn cầu, McKinsey dự báo thị trường xa xỉ sẽ tăng trưởng từ 5% đến 10% vào năm 2023, nhờ nhu cầu từ Mỹ và Trung Quốc.

Theo CNBC

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...