Bước tiến của Hàn Quốc hướng tới mục tiêu “quốc gia quan trọng toàn cầu”
Hàn Quốc tuyên bố tích cực thể hiện tầm nhìn “quốc gia quan trọng toàn cầu” khi chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2024-2025 cùng với Algeria, Sierra Leone, Slovenia và Guyana. Đây là lần thứ ba Hàn Quốc đảm nhiệm vai trò này sau hai nhiệm kỳ trước đó vào các năm 1996-1997 và 2013-2014.
Theo Yonhap, HĐBA LHQ là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, được trao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. HĐBA LHQ gồm 15 nước ủy viên, trong đó có 5 ủy viên thường trực và 10 ủy viên không thường trực. Tờ The Korea Herald cho biết, mỗi năm, Đại hội đồng LHQ bầu 5 nước ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với nhiệm kỳ 2 năm. Trong năm 2024 này, ngoài Hàn Quốc, các nước ủy viên không thường trực khác của HĐBA LHQ là Algeria, Ecuador, Guyana, Nhật Bản, Malta, Mozambique, Sierra Leone, Slovenia và Thụy Sĩ. Trong nhiệm kỳ 2024-2025, Hàn Quốc dự kiến sẽ hai lần đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ kéo dài 1 tháng, trong đó, lần đầu tiên sẽ bắt đầu vào tháng 6 năm nay.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, HĐBA LHQ đang ở thời điểm khó khăn khi bất đồng giữa các nước ủy viên thường trực khiến cơ quan này “khó có chung tiếng nói” về các vấn đề quốc tế quan trọng. Với bối cảnh như vậy, tờ The Korea Herald dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ, vai trò của 10 nước ủy viên không thường trực, trong đó có Hàn Quốc, đối với việc “tăng cường sự thống nhất, thuyết phục các nước ủy viên thường trực và thúc đẩy các đột phá” càng trở nên quan trọng. Hàn Quốc cam kết “thực hiện một vai trò trách nhiệm” để góp phần bảo đảm rằng HĐBA LHQ ứng phó hiệu quả với các vấn đề lớn đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy các chương trình nghị sự liên quan đến kiến tạo và gìn giữ hòa bình, phụ nữ, các mối đe dọa mới nổi như an ninh mạng, biến đổi khí hậu... “Khi lần thứ 3 đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, chúng tôi cam kết tích cực thể hiện tầm nhìn “quốc gia quan trọng toàn cầu”, tờ The Korea Herald dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo-suk phát biểu với báo giới.
Tầm nhìn “quốc gia quan trọng toàn cầu” mà ông Lim Soo-suk nhắc đến được chính thức đề cập trong Chiến lược an ninh quốc gia do chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol công bố hồi giữa năm ngoái, trong đó xác định Seoul sẽ nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế, hợp tác với cộng đồng quốc tế để “bảo vệ những giá trị phổ quát, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các nguyên tắc”, đi đầu trong nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Trung Đông, ngày 22-12-2023. Ảnh: AFP |
Trên thực tế, theo chuyên gia Gibbs McKinley thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), ngay từ giai đoạn tranh cử tổng thống hồi đầu năm 2022, ông Yoon Suk Yeol đã công khai mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành “quốc gia quan trọng toàn cầu”. Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Foreign Affairs hồi tháng 2-2022, ông Yoon Suk Yeol đã kêu gọi Seoul “nhìn ra xa hơn bán đảo Triều Tiên” và nỗ lực hơn nữa trở thành “quốc gia quan trọng toàn cầu”-một quốc gia thúc đẩy tự do, hòa bình và thịnh vượng “thông qua các giá trị dân chủ tự do và hợp tác thực chất”.
Chuyên gia McKinley đánh giá, kể từ khi nhậm chức vào tháng 5-2022, chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đạt “những bước tiến thực sự” hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn “quốc gia quan trọng toàn cầu”. Đầu tiên phải kể đến việc “tái khởi động” mối quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ, vốn từng gặp không ít sóng gió dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Điều này được thể hiện qua chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon Suk Yeol tới Mỹ vào tháng 4-2023 nhân kỷ niệm 70 năm quan hệ đồng minh hay việc Washington và Seoul mở rộng các cuộc tập trận quân sự song phương. Một bước tiến khác là việc hàn gắn quan hệ với quốc gia láng giềng Nhật Bản vốn trở nên xa cách trong những năm qua vì mâu thuẫn dai dẳng liên quan đến các vấn đề lịch sử từ thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910-1945).
Đại diện thường trực tại Liên hợp quốc của Kazakhstan (thứ ba, từ phải sang) và Pháp (thứ tư, từ phải sang) cùng đại diện thường trực tại Liên hợp quốc của 5 nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Hàn Quốc, Algeria, Sierra Leone, Slovenia và Guyana), ngày 2-1-2024. Ảnh: Tân Hoa xã |
Cũng không thể bỏ qua “kỷ nguyên mới” trong quan hệ hợp tác 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn được đánh dấu bằng hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại bang Maryland (Mỹ) hồi tháng 8-2023. Cùng với đó là Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được Hàn Quốc công bố hồi cuối năm 2022, trong đó, Seoul cam kết thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ thông qua việc hợp tác chặt chẽ “với những quốc gia cùng chia sẻ các giá trị” theo 3 nguyên tắc then chốt là “bao trùm, tin cậy và có qua có lại”. “Trong hai năm vừa qua, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã có khát vọng đưa đất nước mình trở thành “quốc gia quan trọng toàn cầu”. Bắt đầu từ tháng 1-2024, họ có cơ hội lớn để thực hiện khát vọng đó. Vai trò ủy viên không thường trực HĐBA LHQ là mảnh ghép của một bức tranh lớn hơn-bức tranh về một Hàn Quốc với tư cách là một quốc gia có tầm ảnh hưởng khu vực và toàn cầu”, chuyên gia McKinley nhấn mạnh trong một bài viết trên trang mạng The Messenger.
HOÀNG VŨ