15 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ, chưa bao giờ thấy trận động đất kinh hoàng như vậy

"Suốt 15 năm qua sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, lần đầu tiên chúng tôi mới nghe tin về một trận động đất khủng khiếp như vậy.  Nhiều toà nhà sụp đổ, nhiều thành phố bị ảnh hưởng và nhiều người chết" - anh Bùi Xuân Mai - người Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với Lao Động.

Lời thăm hỏi làm ấm lòng người Việt xa xứ

3 ngày sau khi xảy ra trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh Bùi Xuân Mai (quê Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) hiện đang làm việc tại quốc gia này vẫn chưa hết bàng hoàng và độ tàn phá khủng khiếp của cơn địa chấn.

Qua đọc báo và cập nhật tin tức, anh Mai cho hay, thời điểm xảy ra động đất vào lúc 4h sáng đó cũng là lúc mọi người ngủ say nhất nên nhiều người không biết để tránh khỏi cơn địa chấn kinh hoàng. Vụ động đất này có độ lớn 7,8 độ richter, ảnh hưởng tới 10 thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Suốt 15 năm qua sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, lần đầu tiên chúng tôi mới nghe tin về một trận động đất khủng khiếp như vậy” - anh Mai chia sẻ với Lao Động.

Với cái giá lạnh từ -2 đến -5 độ C vào ban đêm, nhiều toà nhà sụp đổ, nhiều tuyến đường ở Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện cả bão tuyết khiến vùng xảy ra động đất càng thêm khó khăn.

Lực lượng cứu hộ tìm người sống sót giữa đống đổ nát của một tòa nhà ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7.2. Ảnh: Xinhua

Lực lượng cứu hộ tìm người sống sót giữa đống đổ nát của một tòa nhà ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7.2. Ảnh: Xinhua

Ngay sau trận động đất, anh Mai đã liên lạc với nhiều người Việt Nam đang ở những thành phố bị ảnh hưởng. Hầu hết những người được liên lạc cho biết hiện đã trong tình trạng an toàn nhưng nhà cửa đã bị nứt, lún và trong tình trạng nguy hiểm. Họ đang phải cư trú ở nhà bà con họ hàng.

“Khi nhắn những lời thăm hỏi, nhiều người bạn bày tỏ rất lo lắng. Từ khi ở Việt Nam đến khi sang Thổ Nhĩ Kỳ, họ chưa bao giờ chứng kiến một trận động đất có sức tàn phá kinh hoàng như vậy. Tiếng nổ lớn phát ra và nhiều toà nhà sụt lún, sụp đổ, nhiều người thiệt mạng. Những thành phố gần tâm chấn động đất đang bị mất điện… Nhiều người đã có những phút giây đầy lo lắng” - anh Mai nói.  

Nhưng trong lúc khó khăn, hoạn nạn đó, những người Việt xa xứ vẫn luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên nhau. Điều này làm ấm lòng nhiều người con xa xứ.

 

Những bộ quần áo được anh Bùi Xuân Mai và anh Dương Nam Phương phân loại, đóng thùng để gửi tới nơi cứu trợ. Ảnh: Mai Bùi

Istanbul - một trong những thành phố lớn nhất thuộc vùng Tây Bắc của quốc gia này cũng là nơi anh Mai và nhiều người Việt Nam đang học tập, làm việc tại đây. 

Thành phố này cách nơi xảy ra tâm chấn của trận động đất xảy ra ở miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 1.200km nhưng tất cả những thông tin đều được người dân cập nhật một cách nhanh chóng. Tất cả cùng cầu mong cho lực lượng cứu hộ và các tình nguyện viên nhanh chóng tiếp cận đống đổ nát để cứu người.

Khoác chiếc áo bông ấm, anh Bùi cùng vợ và một vài người bạn đang sửa soạn những bộ quần áo dài tay đóng vào các thùng carton để chuẩn bị đưa tới nơi nhận cứu trợ. Họ vừa đóng 4 thùng với khoảng 800 bộ quần áo mùa đông và vận chuyển tới nơi nhận hàng hoá cứu trợ cách nơi mình đang sinh sống khoảng 7km.

Khẩn trương cứu hộ, tìm kiếm người bị nạn

Cũng có 14 năm sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh Dương Nam Phương (quê ở Nam Định) cho biết thời gian ở đây đã trải qua và chứng kiến nhiều trận động đất nhưng chưa có trận động đất nào lớn như hôm 6.2 vừa rồi.

Theo anh Phương, với những trận động đất có độ lớn dưới 6 độ richter, người dân đã cảm nhận sự choáng váng, đồ đạc trong nhà bị rung lắc. Còn với trận động đất vừa rồi có độ lớn 7,8 độ richter vừa qua thì sức tàn phá nặng nề, nhiều nhà cửa bị sụp đổ.

Thiệt hại do trận động đất quá lớn, khiến chính quyền phải điều động nhiều cảnh sát, lực lượng cứu hộ và tình nguyện viên từ nhiều nơi tới.

Các thùng hàng cứu hộ được người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ gửi tới vùng bị thiệt hại do động đất. Ảnh: Mai Bùi

Các thùng hàng cứu hộ được người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ gửi tới vùng bị thiệt hại do động đất. Ảnh: Mai Bùi

Anh Phương kể, sân bay ở thành phố Istanbul có hàng nghìn người xếp hàng tới các chuyến bay đi 10 tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn động đất.

Lực lượng điều phối phân luồng từng nhóm tình nguyện như nhóm y tế, nhóm trấn an người dân, nhóm tham gia cứu hộ... tới các vùng đang cần hỗ trợ. Đã có hơn 11.000 tình nguyện viên tham gia vào chiến dịch này và con số này có thể còn nhiều hơn nữa.

Tại những nơi ảnh hưởng nặng nề của cơn động đất, lực lượng cứu hoả, cứu hộ khẩn cấp trong các trang phục màu đỏ, màu đen… dùng loa phát thanh, đèn pin để phát đi các tín hiệu cứu hộ.

Tất cả đều chú ý lắng nghe để phát hiện tiếng kêu cứu của người dân để ứng cứu. Máy thu âm, camera nhiệt cũng được sử dụng trong công tác này.

Nhiều lều, lán cũng được lập nên để đưa những người bị sập hết nhà cửa, những người gặp sự cố tập trung tạm thời. Các bác sĩ và tình nguyện viên sẽ chăm sóc, trấn an để họ không bị hoảng sợ.

Anh Mai Bùi (giữa, bên trái) và anh Nam Phương (giữa, bên phải) giao hàng cứu trợ tại điểm tiếp nhận hàng hoá. Ảnh: Dương Phương

Anh Bùi Xuân Mai (giữa, bên trái) và anh Nam Phương (giữa, bên phải) giao hàng cứu trợ tại điểm tiếp nhận hàng hoá. Ảnh: Dương Phương

Tại các thành phố khác, nhiều điểm cứu trợ nhận thu gom hàng hoá cũng được chính quyền lập nên. Những vật phẩm từ quần áo, giày dép, chăn, gối, lò sưởi hay thậm chí là bát đĩa, cốc chén… đều là những thứ cần thiết lúc này với người dân ở vùng tâm chấn của cơn động đất. Các điểm tiếp nhận nhận đầy đủ mọi thứ.

Khi tới đây, nhiều hộ gia đình khác cũng đang quyên góp những vật chất như quần áo, các loại bánh dinh dưỡng, nước uống, nhu yếu phẩm như bột mỳ, thuốc men, sữa….

Ngay sau trận động đất kinh hoàng này, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phát đi thông báo cơ quan này đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền địa phương của 10 tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi động đất nói trên để hỏi về thông tin người Việt.

Trong trường hợp người Việt cần bất kỳ sự hỗ trợ nào hay có biết ai cần hỗ trợ tại khu vực gặp nạn có thể liên hệ tới ĐSQ qua số hotline 0090 545 785 85 48.

Thổ Nhĩ Kỳ để quốc tang 7 ngày

Trận động đất đã ảnh hưởng đến 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm Kahramanmaras, Gaziantep, Sanliurfa, Diyarbakir, Adana, Adiyaman, Malatya, Osmaniye, Hatay và Kilis.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng tại 10 tỉnh phía Đông Nam của nước này. Đồng thời, nước này sẽ để quốc tang 7 ngày tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng sau thảm hoạ.