Chùm ảnh chứng minh mức độ tàn phá khủng khiếp của động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ: Di tích lịch sử ngàn năm tuổi bị san phẳng trong chốc lát
Đây là những hình ảnh trước và sau cho thấy hậu quả thảm khốc của trận động đất mạnh 7,8 độ richter tấn công các khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 6/2.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của tờ The Guardian, đã có tới hơn 2.300 người thiệt mạng sau 2 trận động đất xảy ra ở khu vực biên giới giữa 2 nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Con số vẫn tiếp tục tăng khi lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực hết mình để cứu giúp các nạn nhân.
Chỉ trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, thảm họa đã ập xuống đẩy hàng nghìn người dân lâm vào cảnh tang thương, khổ cực.
Trận động đất làm rung chuyển miền Đông vùng Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ) phá hủy các pháo đài cổ và các tòa nhà kiên cố, trong đó có Nhà thờ Hồi giáo Haji Yusuf ở thành phố Malatya, Lâu đài Gaziantep...
Tờ Daily Mail đã đăng tải những bức ảnh chụp toàn cảnh trước và sau trận động đất, làm nổi bật thiệt hại đối với Lâu đài Gaziantep. Đây là di tích lịch sử được xây dựng lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 2 và thứ 3 bởi Đế chế Hittite.
Lâu đài đã trải qua gần 2 thiên niên kỷ được sử dụng làm lâu đài La Mã, pháo đài Ottoman và gần đây nhất là bảo tàng, trước khi bị hư hại và sụp đổ trong trận động đất sáng 6/2.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cho biết ít nhất 2.818 tòa nhà đã bị sập do trận động đất. Các khu chung cư, nơi sinh sống của hàng trăm người, đã bị san bằng, xung quanh là đống đổ nát, vụn gạch. Các đội tìm kiếm và cứu hộ làm việc suốt buổi sáng để kéo những cư dân bị mắc kẹt ra ngoài.
Nhà thờ Hồi giáo Haji Yusuf ở thành phố Malatya, Thổ Nhĩ Kỳ, có niên đại hàng ngàn năm, trước và sau trận động đất ngày 6 tháng 2 năm 2023. Phần mái vòm của công trình lịch sử bị hư hại nghiêm trọng.
Lâu đài Hittite ở Gaziantep, được xây dựng vào thế kỷ thứ 2 và được người La Mã, Byzantines và Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng như một pháo đài trong gần hai thiên niên kỷ. Nó vẫn đứng vững trước khi bị hư hại nặng ở các bức tường bên ngoài sau trận động đất ngày 6/2.
Một tòa nhà dân cư nhiều tầng ở thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ được chụp vào tháng 10 năm 2022 (trái) và sau đó bị san bằng bởi trận động đất 7.8 độ richter.
Nhà thờ Latinh ở Iskenderun, thành phố lịch sử của Alexandretta, thuộc tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) bị hư hại nặng nề do trận động đất làm rung chuyển khu vực.
Các tòa nhà chung cư cao tầng ở thành phố Gaziantep, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 2020 (trái) và sau đó bị bao phủ bởi đống đổ nát.
Hình ảnh cho thấy các tòa nhà dân cư ở quận Cukurova, thành phố Adana (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 4 năm 2021 và hình ảnh cuộc tìm kiếm cứu nạn trong đống đổ nát ở một trong các tòa nhà vào ngày 6 tháng 2.
Khách sạn Ontur và các tòa nhà dân cư ở İskenderun được chụp vào một ngày nắng tháng 11 năm ngoái và sau đó các tòa nhà trung tâm bị san bằng sau trận động đất.
Từ khắp nơi trên thế giới, mọi người đang hướng về Trung Đông. Hàng loạt lãnh đạo các quốc gia đã có những động thái đầu tiên để giúp đỡ 2 quốc gia vượt qua khó khăn.
Vương quốc Anh cho biết quốc gia này đã gửi 76 chuyên gia tìm kiếm và cứu nạn, 4 chú chó tìm kiếm và thiết bị cứu hộ đến Trung Đông vào tối 6/2. Vương quốc Anh cũng đang gửi một đội y tế khẩn cấp để đánh giá tình hình trên mặt đất. Các bộ trưởng của Anh cho biết thêm rằng họ đã liên lạc với Liên Hợp Quốc về hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho những người bị ảnh hưởng ở Syria .
Nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ là Hy Lạp và các quốc gia khác trong khu vực đã đề nghị được hỗ trợ ngay lập tức để giúp đỡ nỗ lực cứu hộ. “Hy Lạp đang huy động các nguồn lực của mình và sẽ hỗ trợ ngay lập tức”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis viết trên Twitter.
Bộ Ngoại giao Ai Cập, trong một tuyên bố vào đầu ngày 6/2, đã đề nghị giúp đỡ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Cư dân ở Cairo cũng cảm thấy rung chuyển do ảnh hưởng của trận động đất.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp sẵn sàng cung cấp viện trợ khẩn cấp. Tại Đức, Cơ quan Cứu trợ Kỹ thuật Liên bang (THW) đang chuẩn bị cung cấp máy phát điện, lều và chăn khẩn cấp. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết các nơi trú ẩn khẩn cấp và hệ thống xử lý nước cũng có thể được gửi sang Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để giúp đỡ các nạn nhân.