Nguy cơ tổn thương da từ mỹ phẩm online kém chất lượng
Thời đại công nghệ số cùng sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo đã thay đổi đáng kể cách mua sắm. Tuy nhiên, kinh doanh mỹ phẩm trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng.
Thương hiệu nào cũng có, giá nào cũng bán
Chỉ cần tìm kiếm trên mạng, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp hàng trăm kết quả cho bất kỳ sản phẩm làm đẹp nào, với giá bán chênh lệch đáng kể. Một lọ tẩy da chết được quảng cáo là chính hãng có giá từ 330.000 đồng đến 550.000 đồng. Người bán thường viện lý do canh "sale" hoặc "xách tay" để giải thích sự khác biệt giá. Tuy nhiên, độ tin cậy của nguồn gốc sản phẩm không được đảm bảo.
Một tài khoản Facebook mang tên "H.T.M" tự nhận là chuyên cung cấp mỹ phẩm chính hãng với giá "sỉ lẻ ngoài hệ thống". Khi liên hệ qua Zalo, khách hàng được giới thiệu nhiều sản phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng như Cosrx, SVR, Spring Leaf... với tổng giá trị chỉ hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi yêu cầu đến cửa hàng xem trực tiếp hoặc xuất trình hóa đơn chứng từ, người bán lại từ chối với lý do hàng trong kho, không trưng bày.
Khi liên hệ qua số Zalo 097103xxxx, chủ cửa hàng khẳng định sản phẩm chính hãng nhưng khi khách muốn tới cửa hàng mua, xem trực tiếp, chủ shop tỏ ra dè dặt và từ chối.
Liên tục phát hiện hàng giả, hàng lậu
Những ngày cuối năm 2024, tại TP Bắc Giang lực lượng chức năng kiểm tra kho mỹ phẩm tại đường Nguyễn Du, phường Hoàng Văn Thụ phát hiện hơn 27.000 sản phẩm gồm kem dưỡng da, kem chống nắng, son môi, nước hoa... do Trung Quốc sản xuất, tổng giá trị hơn 658 triệu đồng. Chủ kho hàng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn hợp pháp. Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xử lý theo quy định.
Ngay những ngày đầu năm 2025, Đội QLTT số 3 (Đà Nẵng) kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh tại quận Thanh Khê, tạm giữ gần 3.300 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu GUCCI, trị giá hơn 40 triệu đồng. Toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Đội đã tạm giữ hàng hóa vi phạm, hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định.
BS.CKII Nguyễn Tiến Thành - Hội Da liễu Việt Nam - cho biết, nhiều trường hợp gặp biến chứng do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng đã được ghi nhận. Các sản phẩm chứa corticoid hoặc chất tẩy mạnh gây ra hiện tượng bong tróc da, mỏng da, thậm chí tổn thương không thể phục hồi. Nhiều khách hàng bị dị ứng nghiêm trọng, trong khi quảng cáo lại hứa hẹn kết quả hoàn hảo như "trắng da sau 7 ngày" hay "trị mụn 100% hiệu quả".
Quản lý chặt mỹ phẩm trên mạng xã hội
"Một trong những vấn đề nổi cộm là việc buôn bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Nhiều người dùng mạng xã hội này gặp phải các sản phẩm quảng cáo với những lời hứa hẹn "trắng da chỉ sau 7 ngày", "trị mụn hiệu quả 100%" hay "mỹ phẩm xách tay giá rẻ". Tuy nhiên, khi mua về sử dụng, nhiều khách hàng đã phải đối mặt với hậu quả nặng nề như dị ứng, kích ứng da, thậm chí tổn thương nghiêm trọng" - BS Nguyễn Tiến Thành cho hay.
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế và cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực mỹ phẩm. Qua rà soát, nhiều doanh nghiệp kê khai số điện thoại không tồn tại, ngừng hoạt động hoặc không thuộc người đại diện pháp luật. Một số cơ sở thay đổi địa chỉ kinh doanh nhưng không cập nhật thông tin, khiến văn bản thu hồi sản phẩm bị trả lại và gây khó khăn cho việc kiểm tra.
Đoàn kiểm tra nhiều lần phải nhờ Công an và các cơ quan địa phương hỗ trợ xác minh trụ sở và thông tin liên hệ. Một số tổ chức chưa lưu giữ đầy đủ hồ sơ sản phẩm (PIF) tại địa chỉ đăng ký, gây cản trở quá trình thanh tra.
Cục Quản lý Dược yêu cầu tập trung thanh tra các trường hợp không thực hiện thông báo thu hồi, thay đổi địa chỉ kinh doanh mà không báo cáo. Hoạt động kiểm tra đặc biệt chú trọng đến mỹ phẩm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube nhằm phát hiện các sản phẩm trái phép, giả, hoặc không rõ nguồn gốc.
Các vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, bao gồm thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt chất lượng. Doanh nghiệp phải kê khai chính xác, trung thực thông tin trong Phiếu công bố và chỉ được phép lưu thông mỹ phẩm sau khi được cấp số tiếp nhận, chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn sản phẩm. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hậu mãi để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.