Không chủ quan dù đã tiêm đủ vắc xin

Cách đây khoảng 3 tháng, một đồng nghiệp của tôi bị nhiễm Covid-19 vừa khỏi bệnh nói rằng: “Ai rồi cũng sẽ bị nhiễm Covid thôi, không sớm thì muộn”. Ý anh này nói là việc phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 là rất khó, mọi người sẽ lần lượt bị nhiễm nên cứ thấy ai bị ho, sổ mũi, hắt hơi hay bị sốt là lại hỏi: “Dương tính rồi phải không?”.

Những ngày qua, khá nhiều người, nhất là giới trẻ có suy nghĩ là trước sau gì cũng bị nhiễm Covid-19. Nếu chẳng may bị nhiễm bệnh cũng chẳng vấn đề gì, bệnh khó chuyển nặng vì đã tiêm đủ vaccine, khi khỏi bệnh sẽ "bất tử với Covid-19". Một số người khác thì cho rằng khi đã tiêm từ 2 mũi vaccine trở nên, thì đây là thời điểm nhiễm Covid-19 phù hợp, chỉ 5, 7 ngày là khỏi và vẫn kịp đón Tết Nhâm Dần.

Trên thực tế, những suy nghĩ và quan điểm trên rất sai lầm. Sai lầm đối với sức khỏe của mình, sức khỏe của những người thân và cộng đồng; sai lầm trong các hoạt động xã hội và hoạt động của mỗi cá nhân. Nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch (PCD) của cả nước và địa phương, cũng như ảnh hưởng đến việc khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

 Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: TTXVN

Theo các chuyên gia y tế trong và ngoài nước, những người bị nhiễm Covid-19, dù không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ hay nặng, đều có thể gặp phải các di chứng được gọi là "hội chứng Covid-19 kéo dài" hoặc "hội chứng hậu Covid" với nhiều tác động xấu đến sức khỏe. Người bệnh phải tốn thời gian cách ly điều trị, làm gián đoạn công việc của bản thân và tập thể.

Gần đây, các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều người đã khỏi Covid-19 đến khám, điều trị di chứng liên quan đến tim, phổi và sang chấn tâm lý. Không những vậy, trong số những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, thì có hơn 20% là có biểu hiện nặng, với nguy cơ tử vong rất cao.

Những ngày gần đây, số người tử vong do dịch Covid-19 ở các tỉnh, thành phố của nước ta vẫn ở mức hơn 200 người/ngày. Dù gần như đã được phủ vaccine (trừ số trẻ nhỏ tuổi), nhưng một ai đó bị nhiễm, vẫn có thể lây lan cho những người khác khi tiếp xúc. Nếu những người tiếp xúc bị nhiễm thuộc diện có bệnh nền, người già, người suy giảm miễn dịch... thì khả năng bệnh chuyển nặng, thậm chí là tử vong sẽ rất lớn.

Hiện nay, chúng ta đã xác định phải thích ứng và sống an toàn với dịch Covid-19, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là với công tác PCD. Phòng bệnh phải bảo đảm hiệu quả để giữ gìn sức khỏe cho bản thân mình và những người xung quanh, nên quan điểm “trước sau cũng bị nhiễm” là không đúng về y học dự phòng.

Cũng theo các nhà khoa học, sau khi khỏi bệnh, con người cũng không tạo ra kháng thể bền vững dù đã tiêm đủ vaccine, đã có rất nhiều trường hợp tái nhiễm Covid-19 sau khi khỏi bệnh, tiếp tục trở thành nguồn lây cho những người xung quanh. Mặt khác, virus SARS-CoV-2 rất dễ xảy ra đột biến, xuất hiện các biến chủng mới khi lây nhiễm từ người này sang người khác. 

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không nên quá lo sợ dịch Covid-19, nhưng nếu muốn làm việc hiệu quả và tham gia tốt các hoạt động khác, thì phải bảo vệ được bản thân, bảo vệ được cộng đồng. Làm tốt công tác PCD Covid-19, thích ứng hiệu quả với hoàn cảnh không chỉ là hành vi văn hóa, mà còn thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước. Khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là khi biến chủng Omicron đã xuất hiện ở nước ta, thì mỗi người vẫn phải cảnh giác cao độ, kiên quyết không cho bệnh dịch bùng phát mạnh trở lại.

LÊ PHI HÙNG   

Tags: qdnd
Lượt xem: 200
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết