"Tôi không ủng hộ hệ thống (y tế) theo định hướng thị trường của Mỹ. Nhưng ở Canada, chúng tôi đã hạn chế công suất bệnh viện quá mức", Bob Bell, một bác sĩ điều hành cơ quan quản lý y tế của Ontario năm 2014-2018 cho biết, theo Bloomberg.
Toàn bộ nền kinh tế đang cảm nhận hậu quả của việc này. Ở Ontario, các nhà hàng, phòng hòa nhạc và phòng gym đã đóng cửa. Trong khi đó, Quebec áp lệnh giới nghiêm lúc 22h và cấm các buổi lễ ở nhà thờ. British Columbia đã tạm dừng việc tổ chức lễ cưới và đám tang trong nhà.
Công suất bệnh viện của Canada thấp hơn Mỹ
Mỹ có một giường ICU trên 4.100 người dân, theo dữ liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ. Trong khi đó, tỷ lệ của Ontario là một giường ICU trên khoảng 6.000 cư dân, theo số liệu của chính quyền tỉnh và ước tính dân số mới nhất.
Năng lực tiếp nhận của bệnh viện chỉ là một cách để đo sự thành công của một hệ thống y tế. Nhìn chung, người Canada được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, sống lâu hơn người Mỹ và hiếm khi bị vỡ nợ vì các hóa đơn y tế.
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của Canada chỉ bằng 1/3 con số của Mỹ, từ đó phản ánh việc áp dụng rộng rãi những hạn chế y tế và cách tiếp cận mang tính tập thể đối với việc chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, đại dịch đã phơi bày một sự đánh đổi của Canada với hệ thống y tế phổ cập của mình. Các bệnh viện của họ gặp khó khăn trong việc đối phó với số ca bệnh tăng đột biến.
Số giường ICU trung bình của Canada thấp hơn Mỹ. Ảnh: CP.
Trên toàn quốc, khả năng tiếp nhận của bệnh viện tính theo tỷ lệ dân số của Canada thấp hơn Mỹ. Trong số các tỉnh của Canada, hệ thống y tế của Ontario có năng lực kém nhất.
Tỉnh này chỉ có một ICU hoặc CCU (giường chăm sóc cấp tính) trên 800 cư dân kể từ tháng 4/2019, theo Viện Thông tin Y tế Canada.
Trong cùng thời kỳ, tỷ lệ trung bình ở phần còn lại của Canada là khoảng một giường trên 570 cư dân. Trong khi đó, bang New York của Mỹ có khoảng một giường bệnh nội trú trên 420 người dân.
Điều đó khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ontario rơi vào tình thế bấp bênh mỗi khi một đợt bùng dịch xảy đến. Hôm 3/1, Thủ hiến Ontario Doug Ford đã thông báo đóng cửa trường học và cơ sở kinh doanh để giảm bớt áp lực lên các bệnh viện của tỉnh. Toàn tỉnh có gần 2.300 người nhập viện vì Covid-19.
Vào ngày 5/1, Bệnh viện Brampton Civic ở ngoại ô Toronto tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì thiếu giường và nhân lực. Điểm nghẽn lớn nhất trong hệ thống là yêu cầu về nhân lực dành cho chăm sóc cấp tính, đặc biệt là ở các khoa cấp cứu và ICU, ông Bell nói.
Sự khủng hoảng về nhân sự trở nên tồi tệ giữa những đợt bùng phát, khi số lượng lớn nhân viên bị buộc phải cách ly ở nhà vì nhiễm nCoV hoặc phơi nhiễm với virus.
Bên cạnh đó, ông Bell cho biết năng lực của hệ thống y tế không thể tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Ontario.
Stephen Archer, trưởng khoa y tại Đại học Queen ở Kingston, Ontario, cho biết ông tin tưởng mạnh mẽ rằng hệ thống y tế của Canada tốt hơn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe công bằng hơn.
Tuy nhiên, ông vẫn gọi đó là điều "xấu hổ" khi thấy các bệnh viện của Toronto phải chuyển bệnh nhân nhiễm virus đến các bệnh viện nhỏ hơn xung quanh tỉnh, như điều đã xảy ra vào năm ngoái.
Ông Archer cho biết Trung tâm Khoa học Y tế Kingston đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân Covid-19 từ Toronto hồi đầu dịch. Điều này không có gì ngạc nhiên bởi các bệnh viện của Ontario luôn quá tải ngay cả trong đợt cúm mùa.
"Chúng tôi không thể xử lý các bệnh nhẹ theo mùa như cúm, và do đó, chúng tôi gặp khó khăn trong việc đối phó với Covid-19", ông nói.
Canada tin vào lợi ích tập thể
Ngoài công suất của bệnh viện, ông Archer và Bell đã dẫn nhiều lý do cho sự khác biệt trong cách Mỹ và Canada ứng phó với các đợt bùng phát mới.
Người Canada đặt niềm tin nhiều hơn vào chính phủ để hành động vì lợi ích tập thể. Họ cũng không muốn chứng kiến tỷ lệ tử vong và bệnh nặng do Covid-19 mà Mỹ phải chịu đựng.
Người Canada có thể chịu đựng những đợt phong tỏa kéo dài. Ảnh: AP.
Hệ thống y tế phổ cập của Canada đồng nghĩa "phúc lợi của toàn bộ dân số bị ảnh hưởng nếu khả năng chăm sóc sức khỏe mất ổn định", David Naylor, cựu hiệu trưởng Đại học Toronto, cho biết.
Song ông cũng cho rằng chỉ tập trung vào khả năng tiếp nhận của bệnh viện có thể gây hiểu lầm. "Cả Canada và Mỹ đều có công suất (bệnh viện) thấp hơn nhiều nước châu Âu", ông cho biết.
Ông Naylor lập luận rằng sự khác biệt chính giữa phản ứng của hai quốc gia đối với đợt bùng phát Covid-19 là văn hóa.
Ở Canada, chính sách được dẫn dắt bởi nét đặc trưng hướng tới tập thể, vốn có thể chịu đựng những đợt đóng cửa kéo dài và các hạn chế y tế cộng đồng khác để giữ cho các bệnh viện không bị sụp đổ.
"Tôi phải nói rằng hoạt động kém hiệu quả của Mỹ trong việc bảo vệ công dân của mình khỏi virus và cái chết là một 'triệu chứng' của tình trạng bất ổn chính trị sâu sắc hơn trong liên bang của họ".