Bệnh viện Quân y 103: Nỗ lực lập kỳ tích trong ghép tạng
Ghép tạng là một trong những lĩnh vực được Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) quan tâm đẩy mạnh và đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Hơn 30 năm kể từ ca ghép thận trên người đầu tiên năm 1992, đến nay Bệnh viện Quân y (BVQY) 103 đã ghép thành công gần 1.500 ca. Cùng với ghép thận, BVQY 103 còn là nơi thực hiện những ca ghép tạng trên người đầu tiên ở Việt Nam, như: Ghép gan (năm 2004), ghép tim (năm 2010), ghép đa tạng tụy-thận (năm 2014), ghép phổi (năm 2017).
Ở nước ta, thận là tạng ghép đầu tiên được thực hiện với sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài tại BVQY 103 vào năm 1992. Sau ca ghép thận này, BVQY 103 đã làm chủ kỹ thuật. Trong nhóm người bệnh đầu tiên được đội ngũ bác sĩ BVQY 103 thực hiện phải kể đến trường hợp ông Lê Thanh Nghiêm (tỉnh Phú Yên), được ghép thận vào đầu tháng 7-1993. Trường hợp này là một trong những ca ghép thận thành công nhất được thực hiện tại BVQY 103, bởi suốt gần 30 năm, ông Lê Thanh Nghiêm đã sống khỏe mạnh và không ngừng cống hiến cho xã hội.
Lãnh đạo Bệnh viện Quân y 103 và cán bộ, nhân viên Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Quân y 103 trao quà tặng anh Phạm Thái Huyên (tháng 1-2024). |
Đại tá, PGS, TS Vũ Nhất Định, Phó giám đốc BVQY 103, Giám đốc Trung tâm ghép tạng, cho biết: "Bệnh viện đã ghép thận thành công cho gần 1.500 trường hợp. Bệnh viện có đủ các trang thiết bị, máy móc đáp ứng tự chủ tất cả các khâu, từ tuyển chọn, điều trị trước ghép, đến quản lý điều trị sau ghép... Hơn 95% trường hợp đạt kết quả tốt sau ghép thận 5 năm, nhiều trường hợp được ghép trên 20 năm, thậm chí có trường hợp được ghép gần 30 năm như bệnh nhân Lê Thanh Nghiêm.
Từ kết quả và kinh nghiệm trong tổ chức ghép thận, chúng tôi đã và đang tổ chức chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật cho một số bệnh viện trong và ngoài nước, như: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Trung ương 103 Quân đội Nhân dân Lào... Cùng với ghép thận, BVQY 103 còn là nơi thực hiện những ca ghép tạng đầu tiên trên người ở Việt Nam, như: Ghép gan, ghép tim, ghép đa tạng tụy-thận, ghép phổi.
Ngày 1-3-2014 đánh dấu bước tiến quan trọng của nền y học nước nhà với việc lần đầu tiên đội ngũ thầy thuốc BVQY 103 thực hiện thành công ca ghép đa tạng (thận-tụy). Thành tựu này được bình chọn là sự kiện khoa học công nghệ ấn tượng năm 2014. Người được ghép đa tạng là anh Phạm Thái Huyên (tỉnh Sơn La). Hơn 10 năm sau khi ghép thận-tụy, anh Huyên có cuộc sống khỏe mạnh, tiếp tục công tác và tháng 10-2023 vừa được cấp trên cho nghỉ chờ hưu.
Anh Huyên nhớ lại: “Thời điểm trước ca phẫu thuật, tôi bị đái tháo đường biến chứng nặng dẫn đến suy thận độ 2, không kiểm soát được đường huyết, thường xuyên ngất xỉu, mắt gần như không nhìn thấy gì. Bước vào ca phẫu thuật, tôi xác định tâm lý dù kết quả thế nào cũng chấp nhận. Tôi trình bày với bác sĩ tâm nguyện được hiến tạng nếu chết".
Trong câu chuyện, anh Huyên kể, từ khi cuộc sống được hồi sinh đến nay đã hơn 10 năm, với anh, các thầy thuốc BVQY 103 trở thành người thân. Theo Đại tá, PGS, TS Lê Việt Thắng, Chủ nhiệm Bộ môn Thận và Lọc máu, Phó giám đốc Trung tâm ghép tạng, BVQY 103: Bệnh nhân Huyên đã bước sang năm thứ 11 từ khi được ghép thận-tụy, chức năng tuyến tụy nội tiết tốt, chức năng thận ổn định, mọi sinh hoạt đều bình thường.
Xuất phát từ nhu cầu giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữ gìn và nâng cao sức khỏe giữa những người được ghép tạng, năm 2016, BVQY 103 đã thành lập Câu lạc bộ những người được ghép tạng. Thông qua câu lạc bộ, các bác sĩ chuyên khoa tư vấn định kỳ những vấn đề liên quan đến sức khỏe và cuộc sống của người được ghép tạng như: Chế độ ăn và sinh hoạt, các vấn đề sức khỏe thường gặp phải ở người bệnh sau ghép, tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị sau ghép; nhiễm trùng sau ghép; các tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc chống thải ghép...
Đại tá, PGS, TS Vũ Nhất Định cho biết: "Ghép tạng đã trở thành một biện pháp điều trị rộng rãi và có hiệu quả đối với các bệnh lý suy tạng giai đoạn cuối. Thành công của ghép tạng mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, đặc biệt là có được chất lượng cuộc sống tối ưu. Tuy nhiên, nhu cầu ghép tạng hiện nay rất lớn, trong khi nguồn tạng hiến tặng lại khan hiếm. Nguy cơ mua bán tạng đang dẫn đến nhiều hệ lụy. Đó là những khó khăn, rào cản trong thực hiện các kỹ thuật ghép tạng hiện nay".
Bài và ảnh: KHÁNH LINH