Vụ nữ giáo viên bị đồng nghiệp 'khóa tay', đuổi khỏi lớp: Cần một lời giải thích với học sinh

Những ngày gần đây, dư luận không khỏi bàn tán trước sự việc của một cô giáo ở tỉnh Thừa Thiên – Huế bị nam đồng nghiệp "khóa tay" đưa ra khỏi phòng học trong đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận năm 2022.

Theo thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin truyền thông, cô giáo Hồ Thị Tâm, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Hai Bà Trưng (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) sau khi hết tiết dạy của mình đã không trả lại lớp cho cô Trần Thị Thùy Dung – Chủ nhiệm lớp 10A9 để điều hành tiết sinh hoạt vào sáng thứ bảy, ngày 22/10/2022.

vu nu giao vien bi dong nghiep khoa tay duoi khoi lop can mot loi giai thich voi hoc sinh

Hình ảnh cô giáo được cho là bị đồng nghiệp "khóa tay" mời ra khỏi lớp.

Do không mời được cô Tâm ra khỏi lớp nên cô Dung đã liên lạc với thầy Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, nhờ can thiệp. Thầy Phó Hiệu trưởng sau đó đã cùng với 3 thầy giáo khác tới phòng lớp học 10A9 cùng thuyết phục cô Tâm (mất khoảng 10 phút), song cô Tâm vẫn không chịu trả lớp cho cô Dung.

Theo các thầy cô giáo tại thời điểm đó nhận thấy rằng việc các giáo viên nói chuyện trước học sinh là không hay nên một thầy giáo đã cầm tay đưa cô Tâm ra ngoài (như clip lan truyền trên mạng xã hội).

Về phía nhà trường sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc đã yêu cầu thầy cô giáo, học sinh có bản tường trình.

Theo thông tin từ phía nhà trường, ngày 2/2, Chi bộ Trường THPT Hai Bà Trưng đã quyết định kỷ luật cô Tâm với hình thức khiển trách do vi phạm nhiều điều đảng viên không được làm, như: Loan truyền thông tin không đúng sự thật, vi phạm quy chế dân chủ, không trung thực, vu khống…

Sau đó, Chi bộ Trường THPT Hai Bà Trưng (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã tạm thu hồi quyết định kỷ luật về mặt Đảng đối với cô giáo Hồ Thị Tâm.

Dưới góc nhìn của một Chuyên gia Văn hóa, PGS TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Trong sự việc trên, cả cô giáo bộ môn Ngữ văn và các thầy được cô Dung mời đến đều có lỗi trong cách ứng xử.

"Một bên đáng lẽ phải trả lớp cho cô giáo chủ nhiệm lớp đó để tiến hành sinh hoạt lớp; một bên muốn mời cô giáo ra khỏi lớp, đáng lẽ phải có hình thức tế nhị hơn", PGS TS Lê Quý Đức nói.

Theo Thầy Lê Quý Đức, cả hai bên đều có lỗi trong cách ứng xử với nhau, từ đó thể hiện sự chưa tôn trọng công việc của nhau. Lỗi nặng hơn mà theo Thầy Đức cho rằng chính là các thầy cô lại có một hành động không đẹp trước mặt học sinh.

Theo PGS TS Lê Quý Đức: Trong khuôn khổ, phạm vi giữa các giáo viên với nhau thì các thầy cô có thể tranh luận được; còn trước mặt học sinh mà ứng xử như vậy thì học sinh sẽ nhìn vào và suy nghĩ như thế nào, liệu các thầy cô đã làm gương cho học sinh? Hiện nay chúng ta cũng đang giáo dục văn hóa ứng xử trong nhà trường; không chỉ cho học sinh mà còn giữa đồng nghiệp với nhau. Việc này là cần thiết để có một môi trường giáo dục trong lành, tôn nghiêm.

Do vậy, theo Thầy Lê Quý Đức, qua sự việc này, thầy cô giáo cần nghiêm túc nhìn nhận lại ứng xử, hành động của mình để rút kinh nghiệm và cần thiết phải có sự giải thích trước học sinh để cho các em hiểu vấn đề chứ không phải chỉ giải quyết giữa thầy cô với nhau.

Còn về việc Chi bộ Trường THPT Hai Bà Trưng (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã tạm thu hồi quyết định kỷ luật về mặt Đảng đối với cô giáo Hồ Thị Tâm; Luật sư Trương Công Đức (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Tại Điều 11, hướng dẫn số 02-HD/TW ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư thực hiện một số nội dung Quyết định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định:

"Tổ chức Đảng sau khi ban hành quyết định kỷ luật mà phát hiện kỷ luật không đúng thẩm quyền, không đúng quy trình, thủ tục hoặc hành vi vi phạm thì phải chủ động xem xét lại quyết định kỷ luật của mình. Nếu không có khiếu nại, chưa gây hậu quả thì không phải xem xét trách nhiệm.

Quyết định kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên không đúng với hành vi vi phạm, không đúng thẩm quyền, không đúng quy trình, thủ tục quy định (kể cả giải quyết khiếu nại kỷ luật) thì phải xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu cho tổ chức Đảng có thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật nêu trên".

Căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên, Luật sư Trương Công Đức cho rằng: Chi bộ trường trong quá trình ban hành quyết định mà xét thấy quyết định đó không đúng trình tự thì có quyền chủ động xem xét lại quyết định của mình và không bị phải xem xét trách nhiệm nếu không có khiếu nại, chưa gây hậu quả.

Lượt xem: 9
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...