Nhan nhản tình trạng chó thả rông, không rọ mõm khi ra đường

TPHCM - Chó thả rông, không được rọ mõm vẫn ngang nhiên chạy ngoài đường, tại các khu vực dân cư, nơi đông người qua lại tạo nên những lo lắng cho nhiều người.

Nhan nhản tình trạng chó thả rông, không rọ mõm khi ra đường

Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm nhan nhản tại các khu dân cư. Ảnh: Kim Mỹ

Vụ việc một người đàn ông tại TPHCM bị chủ của chó đánh chỉ vì bảo vệ con mình khỏi chó thả rông vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Dư luận bức xúc, lo ngại bởi con chó không có dây xích, không rọ mõm tiếp cận bé trai nhỏ tuổi. Trong khi người bố dùng chân đẩy chó ra xa con trai nhỏ thì bị chủ chó “tác động vật lý” dẫn đến chấn thương ở vùng mặt. Sự việc lại một lần nữa khiến cụm từ “rọ mõm cho chó” được quan tâm hơn bao giờ hết.

Chó không rọ mõm thả rông trên đường Vĩnh Khánh (quận 4, TPHCM). Ảnh: Kim Mỹ

Chó không rọ mõm thả rông trên đường Vĩnh Khánh (Quận 4, TPHCM). Ảnh: Kim Mỹ

Thế nhưng dường như điều đó không ảnh hưởng đến thói quen nuôi thả chó của nhiều người dân. Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến đường của TPHCM, cứ 50-70m lại dễ dàng bắt gặp một “cậu vàng” đi lại trên đường không rọ mõm, không dây xích, không người dắt và nhiều khả năng cũng chưa tiêm phòng bệnh dại.

Chị Đặng Thị Toàn (quận Bình Thạnh) chia sẻ, mỗi buổi sáng, chị đều phải dọn dẹp bãi phóng uế của chó nhà hàng xóm. Ban ngày thì hàng xóm nhốt trong nhà nhưng cứ sáng sớm hoặc tối sẽ tranh thủ thả chó ra mà không hề rọ mõm. Khu vực nhà chị đầy chất thải của chó, bốc mùi hôi thối.

“Điều tôi lo lắng hơn là chó có thể tấn công người bất cứ lúc nào. Buổi chiều tối, trẻ con trong khu thường tụ tập vui chơi với nhau, nếu có sự cố thì không biết hậu quả sẽ như thế nào”, chị Toàn chia sẻ.

Chó thả rông

Nhiều người dân khó chịu trước tình trạng chó thả rông, phóng uế bừa bãi. Ảnh: Tuệ Nhi 

Còn chị Nguyễn Thị Như Thuỷ thường hay đi bộ từ nhà ra đến siêu thị để mua thực phẩm nhưng mỗi lần qua con hẻm trên đường Nguyễn Công Hoan (quận Phú Nhuận) chị lại “thót tim” vì chó từ trong nhà người dân xồ ra ngoài đường.

“Kể cả đi bộ hay chạy xe máy thì chó cũng đuổi theo. Mỗi lần đi qua là một lần ám ảnh”, chị Thuỷ chia sẻ.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Việt Nam, từ năm 2010 đến tháng 9.2022 có 1.066 người tử vong vì bệnh dại (trung bình 82 người/năm). Hằng năm, có khoảng 500.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, gây thiệt hại khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm.

Chó thả rông tại đường Trần Quang Diệu 1 (quận 3, TPHCM). Ảnh: Kim Mỹ

Chó thả rông tại đường Trần Quang Diệu 1 (Quận 3, TPHCM). Ảnh: Kim Mỹ

Trong khi đó, nhu cầu nuôi thú cưng, đặc biệt là loài chó vẫn được ưa chuộng, không còn nuôi chỉ để trông coi nhà cửa, mà còn là một người bạn, một thành viên trong gia đình để giúp mọi người giải tỏa căng thẳng sau thời gian làm việc vất vả. Thế nhưng, nhiều người lại chưa thật sự đề cao sự an toàn cho bản thân và người khác, nên nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra thời gian qua.

Vì thế, người dân cần trang bị những vật dụng cơ bản khi nuôi chó như dây dắt, rọ mõm, tiêm phòng cho chó và ý thức đến vệ sinh công cộng khi cho chó ra đường.

Điều 66 của Luật Chăn nuôi 2018 quy định, chủ nuôi chó, mèo cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Các biện pháp bảo đảm an toàn hiện nay bao gồm đeo rọ mõm cho chó; xích giữ chó khi ra đường… 

Khoản 3, Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Lượt xem: 20
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết