Vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC: Luật sư có thể kháng cáo thay bị cáo đang trốn truy nã?

Các chuyên gia pháp lý cho rằng do bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC, đang trốn truy nã nên theo quy định của pháp luật, luật sư của bị cáo này không thể kháng cáo thay

Như Báo Người Lao Động đã đưa TAND TP Hà Nội đã nhận đơn kháng cáo của 16/36 bị cáo trong vụ án Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) gây thiệt hại 152 tỉ đồng tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Đáng chú ý, trong số 16 bị cáo này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC (bị tuyên vắng mặt 30 năm tù), mặc dù đang bỏ trốn nhưng vẫn được luật sư "kháng cáo thay".

Vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC: Luật sư có thể kháng cáo thay bị báo đang trốn truy nã? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn thời điểm chưa bị khởi tố

Trong đó, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng chưa đủ căn cứ chứng minh bị cáo Nhàn là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo việc thông thầu, việc định giá thiệt hại là quá cao và chưa được tranh luận làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm. Từ đó, luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Trước tình huống pháp lý này, nhiều bạn đọc băn khoăn, pháp luật quy định thế nào về kháng cáo thay? Luật sư có được kháng cáo thay thân chủ của mình khi đang bỏ trốn không?

Về việc này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, cho biết theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, những chủ thể có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm gồm: Bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại; Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa…

Vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC: Luật sư có thể kháng cáo thay bị báo đang trốn truy nã? - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên xét xử sơ thẩm

Bên cạnh đó, về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định rõ, người bào chữa ngoài các quyền và nghĩa vụ như: Gặp, hỏi người bị buộc tội; có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can; trong hoạt động đối chất, đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng... họ chỉ có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này.

"Do đó, luật sư với vai trò là người bào chữa thì chỉ có thể kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa. Đây là những trường hợp bị cáo là những đối tượng chưa nắm rõ các quy định về pháp luật nên khó có thể biết được những sai sót, những điểm không hợp lý trong bản án đã được hội đồng xét xử tuyên án" - luật sư Tiền nêu rõ.

Cũng theo chuyên gia pháp lý này, đối với trường hợp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn truy nã thì luật sư của bị cáo không thể thay bị cáo kháng cáo được. Việc chấp nhận đơn kháng cáo, xem xét nội dung kháng cáo và áp dụng quy định của pháp luật thuộc về Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Cùng quan điểm, luật sư Bùi Phan Anh thuộc Công ty Luật Sen Vàng, cho rằng trường hợp của bị cáo Nhàn theo quy định hiện hành thì luật sư không có quyền kháng cáo. Luật sư có thể kháng cáo thay trừ khi có văn bản uỷ quyền của thân chủ.

 

Trước đó, ngày 4/1, TAND TP Hà Nội đã tuyên bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị phạt 14 năm tù về tội Đưa hối lộ, 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt chủ tịch Công ty AIC phải lĩnh là 30 năm tù.

Cùng với đó, Tòa cấp sơ thẩm tuyên cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành 11 năm tù, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái 9 năm tù cùng về tội Nhận hối lộ; cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ bị phạt mức án 9 năm tù về tội Nhận hối lộ, 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hình phạt buộc bị cáo Vũ chấp hành 19 năm tù. Bồ Ngọc Thu, cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, lĩnh 3 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà (đang bị truy nã) lĩnh tổng mức án 25 năm tù. Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, phó tổng giám đốc Công ty AIC, lĩnh 12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 29 bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 30 tháng tù treo đến 6 năm tù.

Bản án sơ thẩm xác định, xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, muốn trúng thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Đồng Nai nên gặp, nhờ bị cáo Trần Đình Thành, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, giúp đỡ. Thông qua ông Thành, bị cáo Nhàn và người trong AIC tiếp xúc với các lãnh đạo khác gồm: Đinh Quốc Thái; Phan Huy Anh Vũ; Bồ Ngọc Thu để nhờ tạo điều kiện giúp đỡ trúng thầu.

Sau đó, Công ty AIC đã trúng 16 gói thầu tại Bệnh viện Đồng Nai với giá cao hơn thị trường, gây thiệt hại 152 tỉ đồng. Trong quá trình đấu thầu, nhóm AIC hối lộ các bị cáo Thành, Thái mỗi người 14,5 tỉ đồng; Vũ 14,8 tỉ đồng.

Sau phiên xét xử, TAND TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 16 bị cáo và Công ty AIC. Trong số 16 bị cáo có Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phan Huy Anh Vũ cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, Bồ Ngọc Thu cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai... Riêng cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái không kháng cáo.

Lượt xem: 10
Tác giả: Nguyễn Hưởng
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...