TÔI LÊN TIẾNG: Không chấp nhận 'chặt chém' du khách
Sẽ như muối bỏ bể nếu bên cạnh việc xử phạt lại thiếu đi các biện pháp truyền thông hiệu quả.
Tròn 30 năm trước, tháng Giêng năm Quý Dậu 1993, gia đình tôi cùng một số hàng xóm rủ nhau đi chùa Hương (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc TP Hà Nội) dịp đầu xuân.
Xuất phát từ Nam Định bằng 5 xe máy lúc 2 giờ sáng, vào tới Bến Đục là chừng 5 giờ, cảm giác thông đêm đi lễ hội khiến cả đoàn 11 người chúng tôi vẫn đầy hào hứng.
Khung cảnh trên bến dưới thuyền rất náo nhiệt dù hồi ấy dãy hàng quán chủ yếu là hàng phở và bán hương, khánh, tò he…
Du khách bên tượng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tại TP Nam Định
Tôi nhớ phở 3.000 đồng/bát mà hồi ấy xăng chừng 500 đồng/lít nhưng do trù liệu trước nên mọi người đã chuẩn bị xôi lạc, cơm nắm, bánh mì nên đỡ khoản chi phí khá cao.
Cả đoàn mua vé thuyền. Trong lúc chờ, một cô trong đoàn muốn sử dụng dịch vụ vệ sinh công cộng nên tới khu nhà lá sát vách núi. Lát sau thì cô quay lại với một chuỗi những phàn nàn. Cô kể vì đắt và bẩn nên không mấy người chịu vào bên trong. Không ai bảo ai, đều bất chấp ánh mắt người qua lại mà kéo quần, quay lưng xuống dòng nước rồi… xả.
Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về sự "thiếu văn minh" trong các dịch vụ mùa lễ hội. Qua thời gian, nó được bổ sung thêm bằng từ "chặt chém".
Ký ức bức bí đó quay trở lại trong năm nay, khi các lễ hội trong cả nước bắt đầu "vào tết" - hay "mùa kinh doanh".
Theo thống kê, Việt Nam hiện có trên 8.000 lễ hội, trong đó hơn 7.000 lễ hội dân gian, hơn 330 lễ hội lịch sử, hơn 540 lễ hội tôn giáo. Dù tạm lắng trong thời gian đại dịch COVID-19 song nhu cầu tham gia lễ hội, đắm chìm vào những không gian văn hóa của người Việt luôn luôn như ngọn lửa bền bỉ. Và đầu xuân Quý Mão - 2023 được dự báo là khoảng thời gian "bùng nổ" các hình thức sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian.
Đi cùng với sự tiếp nhận, phát huy truyền thống đó, không thể không có chút lo ngại về hiện tượng "bóp cổ khách du lịch" thông qua sự tăng giá phi mã các dịch vụ.
Bao lâu nay, tồn tại hiện tượng các chủ hàng ăn, đồ lưu niệm, kinh doanh lữ hành thẳng tay móc túi khách hàng thông qua quan điểm sai trái "làm một tháng, ăn cả năm", từ đó, họ thỏa sức tăng giá mặt hàng, dịch vụ mà bất tuân quy luật thị trường cũng như uy tín địa phương. Kiểu làm ăn chụp giật đó đã và đang khiến ngành du lịch nói riêng, sức hút của các lễ hội đầu năm nói riêng chịu tổn thất không nhỏ.
Trảy hội du xuân từ lâu đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của đông đảo người Việt. Không những vậy, nét văn hóa độc đáo này đã lan tỏa tới bạn bè khắp thế giới. Du khách quốc tế biết tới Việt Nam không chỉ là một đất nước hiền hòa, mến khách mà còn là một xứ sở của những tín ngưỡng dân gian được cụ thể hóa bằng những lễ hội phong phú, sinh động.
Sự kiện tại một điểm du lịch TP Ninh Bình đêm mùng Hai Tết Quý Mão
Để những lễ hội đó không bị "nhuốm bẩn" bởi cách kiếm tiền bất chấp của các chủ nhà hàng, dịch vụ tự phát, từ nhiều năm nay, ngành chức năng, những địa phương có lễ hội diễn ra đã và đang có các biện pháp chấn chỉnh hoạt động đón tiếp cùng phục vụ du khách. Tuy nhiên, sẽ như "muối bỏ bể" nếu bên cạnh việc xử phạt lại thiếu các động thái truyền thông đồng hành.
Phải làm sao để người dân địa phương, doanh nghiệp hoạt động quanh khu vực lễ hội cảm thấy tự hào về "đặc sản lễ hội" nơi mình sinh sống. Khi đó, tư duy chặt chém "làm một tháng, ăn cả năm" tự nhiên chấm dứt, lòng hiếu khách, quảng bá văn hóa địa phương được nuôi dưỡng và phát huy.
Đó phải là nhiệm vụ không thể không thực hiện của của địa phương nói riêng, ngành văn hóa-du lịch cả nước nói chung.
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Câu ca dao này có thể chưa hẳn còn phù hợp với thời đại ngày nay. Tuy nhiên, nó dứt khoát không thể biến thành tháng mà hệ thống kinh doanh, phục vụ trong lễ hội "ăn trái đắng" vì cách làm để lại điều tiếng cho khách thập phương trong và ngoài nước.
"Chặt chém" là một hành vi không được phép xuất hiện trong các lễ hội đầu năm.