Chính sách mới: Xuyên tạc lịch sử trên phim bị phạt 100 triệu đồng

Giảm lệ phí đăng ký thường trú, quản lý phim ảnh, chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài, quy định mới về bảo hiểm xã hội... là những chính sách mới sắp có hiệu lực.

Từ tháng 1, nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực. Trong đó có những quy định đáng chú ý liên quan đến tài chính, y tế, lao động, quản lý văn hóa...

Xuyên tạc lịch sử trên phim có thể bị phạt 100 triệu đồng

Nghị định 128/2022 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 15/2. Trong đó, một số quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động điện ảnh được quy định tại Nghị định 38/2021 sẽ được sửa đổi.

Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với cá nhân (80-100 triệu đồng đối với tổ chức) có các hành vi: Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc, danh nhân; thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng…

Đồng thời, các trường hợp này phải đình chỉ các hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh 1-3 tháng. Buộc cải chính thông tin sai sự thật, xin lỗi cá nhân bằng văn bản…

Các trường hợp ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định 111/2022 quy định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 22/2.

Nghị định nêu rõ các công việc thực hiện hợp đồng lao động bao gồm công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập như: Lái xe, bảo vệ; lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức theo quy định.

Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức, gồm: Bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; kho tiền hoặc kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan; lái xe phục vụ bộ trưởng hoặc tương đương bộ trưởng trở lên; lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; người làm công việc hỗ trợ, phục vụ khác tại cơ quan trọng yếu, cơ mật ở Trung ương theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua cổng dịch vụ công trực tuyến

Thông tư 75/2022 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú có hiệu lực từ ngày 5/2. Theo đó, công dân được giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

chinh sach moi thang 2 anh 1

Mức đóng lệ phí thường trú sẽ giảm 50% khi đăng ký qua cổng dịch vụ công. Ảnh minh họa: VGP.

Mức đóng lệ phí đăng ký thường trú là 20.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ trực tiếp, 10.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Công dân đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú cá nhân, hộ gia đình thì lệ phí là 15.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 7.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Trường hợp tách hộ, đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách, mức đóng lệ phí lần lượt là 10.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 5.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Một số trường hợp được miễn lệ phí đăng ký gồm trẻ em dưới 16 tuổi; người từ 60 tuổi trở lên; người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng...

Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài

Thông tư 20/2022 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân có hiệu lực từ ngày 15/2.

Thông tư quy định các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức bao gồm mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;

Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;

Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: Văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.

 

chinh sach moi thang 2 anh 2

Nhiều quy định mới về chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Người lao động mắc ung thư được lãnh bảo hiểm một lần ngay sau khi nghỉ việc

Từ ngày 15/2, Thông tư 18/2022 của Bộ Y tế có hiệu lực sẽ sửa quy định về các trường hợp mắc bệnh được hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong Thông tư 56/2017.

Theo quy định mới, người lao động gặp vấn đề về sức khỏe sẽ được lãnh bảo hểm xã hội nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Người bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Trước đó, Thông tư 56/2017 yêu cầu người lao động đang bị mắc ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng… phải đồng thời đáp ứng thêm điều kiện không tự sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn thì mới được giải quyết hưởng bảo hểm xã hội lần ngay sau khi nghỉ việc.

Người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Như vậy, người lao động nếu không may mắc ung thư có thể lãnh bảo hiểm xã hội một lần ngay sau khi nghỉ việc mà không chờ một năm như quy định trước đây.

Ngoài ra, theo khoản 8 Điều 1 Thông tư 18, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã thực hiện giám định sức khỏe để hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoàn toàn có thể chủ động đi khám giám định lại mức suy giảm khả năng lao động nếu có nhu cầu.

Trước đó, nếu muốn giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động phải chờ ít nhất 24 tháng tính từ ngày người lao động được Hội đồng Giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gần nhất trước đó.

Ngoài ra, người lao động còn được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trả phí khám giám định lại nếu kết quả khám giám định xác định người lao động đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp kết quả giám định lại không đủ để được điều chỉnh tăng mức trợ cấp, người lao động chủ động đề nghị khám giám định lại sẽ phải tự chịu chi phí khám giám định.

Lượt xem: 8
Tác giả: Hồng Quang