Phòng ngừa tác phẩm văn học xấu độc

Với hàng triệu bản in sách của hàng nghìn tác giả trong nước và thế giới, xuất bản sách văn học đã góp phần hình thành thói quen văn hóa đọc, nâng cao tri thức, thẩm mỹ, lan tỏa những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp cho nhiều thế hệ độc giả trên cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực ấy, việc xuất bản sách văn học vẫn còn những “hạt sạn” đáng tiếc. Một số tác phẩm văn học có nội dung không lành mạnh, thậm chí độc hại như có quá nhiều trang viết về bạo lực, tình dục một cách thô thiển, đi ngược lại nhận thức chung của xã hội trên một số phương diện-đặc biệt là chính trị, tư tưởng-nhưng vẫn được xuất bản, gây ra những ồn ào, thị phi không đáng có, dẫn đến việc phải thu hồi, gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của người biên tập và các nhà xuất bản.

 Ảnh minh họa:Tạp chí Tuyên giáo.

Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất dẫn đến tình trạng trên nằm ở cái tâm của người cầm bút. Một số tác giả vì nhiều nguyên nhân khác nhau luôn mang trong lòng sự hằn học, bực bội, khó chịu với chế độ, với xã hội. Họ mang tâm thế đó vào những trang viết, tạo nên những tác phẩm chất chứa đầy nỗi u ám, tiêu cực. Mặt khác, có một số tác giả mang tâm lý “bề trên”, “cành cao”, luôn cho ý kiến của mình là đúng trong mọi vấn đề của đời sống xã hội. Những tác phẩm của họ chứa đầy thiên kiến, sự hợm hĩnh không đáng có và không nên có ở một nhà văn đích thực. Những trang viết của họ nhằm bộc lộ, thỏa mãn cái tôi cá nhân nhiều hơn là những suy tư, phản biện xã hội một cách sâu sắc, thuyết phục. Ngoài ra cũng có một số tác giả cố tình “viết ngược, nói ngược” nhằm tạo sự chú ý cho người đọc. Những tác giả này thậm chí còn vui mừng khi biết tin “đứa con tinh thần” bị đình bản, thu hồi. Họ không ngại ngần “khoe khoang”, “quảng bá” về điều đó, coi đó như một minh chứng, bảo đảm cho sự “nổi tiếng”, “sống mãi với thời gian” cho tác phẩm của mình. Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng trên là do những sơ suất của người biên tập.

Trên thực tế, để ra được thành sách, mọi bản thảo văn học đều phải qua tay người biên tập đọc duyệt. Nếu thấy bản thảo đạt những tiêu chí nhất định về nội dung và nghệ thuật, người biên tập mới đề nghị cấp phép cho xuất bản. Lý do dẫn đến hiện tượng người biên tập để lọt những tác phẩm không nên xuất bản cũng rất đa dạng: Do cả nể (giữa biên tập và tác giả có sự quen biết, thậm chí là thân thiết), do áp lực công việc (số lượng bản thảo nhiều, thời gian hoàn thành việc thẩm định ngắn)... và do trình độ, năng lực có hạn. Trong thực tế, một số biên tập viên mảng sách văn học lại chỉ tốt nghiệp ngành xuất bản, không hoặc chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về văn học nên dẫn đến việc không chú ý lối nói lấp lửng, ám chỉ, không nhận biết tính hai mặt trong các hình ảnh, biểu tượng văn học do các tác giả cố tình tạo ra.

Để khắc phục và tiến đến việc đặt “dấu chấm hết” cho hiện tượng trên, thiết nghĩ cần có một hệ thống các giải pháp căn cơ, đồng bộ. Trong đó việc quan trọng và cấp thiết là cần tập trung bồi dưỡng tri thức văn học một cách bài bản, thường xuyên cho các biên tập viên. Bởi vì nếu người biên tập làm tốt khâu đọc duyệt thì những tác phẩm văn học “có vấn đề” không thể đến được với bạn đọc qua con đường xuất bản in (tác giả chỉ có thể công bố trên internet). Trong nhiều trường hợp cấp bách, chưa thể có ngay biên tập viên chuyên sâu về văn học, các nhà xuất bản có thể thuê chuyên gia biên tập một thời gian, hướng dẫn kèm cặp các biên tập viên văn học mới vào nghề để hạn chế, tránh sai sót.

THẨM THĂNG Y

Tags: văn học
Lượt xem: 75
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết