Bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ biên tập viên văn học
Nhìn nhận sơ bộ về đội ngũ biên tập viên (BTV) văn học hiện nay, có thể thấy những điểm cần bổ khuyết cho công tác đào tạo nghề biên tập văn học, bồi dưỡng lực lượng làm công tác này. Qua đó sẽ giúp chuẩn hóa hơn về tri thức, kỹ năng, nghiệp vụ của nguồn nhân lực trong tương lai cũng như chính một bộ phận đang làm nghề hiện nay.
Đông đảo nhưng có tinh túy?
Hiện nay, chưa có thống kê đầy đủ số đầu sách, bản sách lĩnh vực văn học xuất bản hằng năm. Song, thông qua bảng xếp hạng sách bán chạy trên các nền tảng thương mại điện tử, sàn giao dịch, công ty và nhà sách lớn, có thể thấy sách văn học vẫn có thị phần lớn, được người đọc quan tâm.
Quan sát hoạt động xuất bản hiện nay, ngoài một số đơn vị chuyên về lĩnh vực văn học như Nhà xuất bản (NXB) Văn học, NXB Hội Nhà văn, thì có nhiều đơn vị ngoài sách thuộc nhiều lĩnh vực còn xuất bản sách văn học như: NXB Kim Đồng, NXB Quân đội nhân dân, NXB Công an nhân dân, NXB Phụ nữ Việt Nam, NXB Thanh niên, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh... Có thể cho rằng, ở các đơn vị xuất bản này đều có BTV làm công tác biên tập tác phẩm văn học và tùy theo tần suất sách văn chương được xuất bản mà lực lượng này nhiều hay ít, được “săn sóc” ở mức độ khác nhau về nhu cầu tuyển dụng, bồi dưỡng tay nghề...
Biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng (đứng thứ hai, từ phải sang) và đại diện gia đình nhà thơ Quang Dũng nhận giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba - 2020. Ảnh: HÀ PHƯƠNG. |
Đáng chú ý, trong xu thế mở cửa, phát triển sôi động của hoạt động xuất bản, phát hành, các dịch vụ về sách, trong nhiều năm qua có nhiều đơn vị làm sách tư nhân như các công ty văn hóa truyền thống, nhà sách ra đời, tham gia tổ chức bản thảo, liên kết xuất bản, phát hành rất nhiều sách văn học như: Đông Tây, Nhã Nam, Thái Hà, Liên Việt, Đinh Tỵ, Tao Đàn... Gần đây tiếp tục có các đơn vị mới như Sbooks, Thiên Sơn, Linh Lan... Có thể coi đó gần như các NXB nhưng chỉ thiếu chức năng cấp giấy phép xuất bản. Và như vậy, các đơn vị này cũng có trang bị một đội ngũ BTV văn học.
Với lĩnh vực báo chí thì cũng cần nhắc đến một đội ngũ khá đông đảo người làm công tác biên tập văn học ở các tạp chí, báo văn nghệ địa phương, Trung ương. Có điều, nếu nói về “nguồn cung” ban đầu thì cũng đáng để ngạc nhiên là hiện chưa có đào tạo chuyên môn riêng về biên tập văn học. Thậm chí nghề biên tập sách về văn hóa, văn học-nghệ thuật cũng chưa thấy có sự định hình trong nội dung giảng dạy ở bậc đại học. Công tác biên tập, biên tập văn học mới chỉ được nhắc đến, “chạm” đến trong nội dung giảng dạy ở một số chuyên ngành về văn học, viết văn, báo chí, xuất bản... ở một số đơn vị đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn, báo chí, truyền thông... Và “đầu ra” để cung cấp nhân sự cho các đơn vị xuất bản, làm sách như trên, một phần chính từ các “lò” đào tạo được xem là gần gũi với nghề biên tập.
Như vậy, có thể thấy nhiều người bước vào công tác biên tập văn học, bước đầu là nhờ được đào tạo về nghiên cứu văn học, sáng tác văn học, làm báo, làm xuất bản, những người có khiếu văn chương, đam mê lĩnh vực văn học. Nói bước đầu chính là để nhấn mạnh vào quá trình phải tự học hỏi, tự trang bị kiến thức, tích lũy kinh nghiệm sau đó của đội ngũ này. Có thể qua hướng dẫn, đào tạo thêm tại NXB, nhà sách; qua tự khai thác tài liệu trong và ngoài nước; gần đây còn qua những khóa bồi dưỡng, tập huấn theo các hình thức liên kết, hợp tác... ở trong và ngoài nước.
Thực tiễn sôi động của hoạt động xuất bản, sự tác động của cơ chế thị trường, mối quan tâm đến sách văn học của công chúng được thúc đẩy, phát triển, cũng như yếu tố cạnh tranh giữa các đơn vị xuất bản, làm sách đang tác động nhiều đến các đơn vị, đến các BTV văn học. Ngoài việc biên tập sách thông thường, thực tế đòi hỏi BTV sự nhanh nhạy hơn trong công tác tổ chức bản thảo, phát hành, truyền thông, tổ chức sự kiện ra mắt sách. Có thể tạm so sánh, nếu trước kia ta thường biết đến hình ảnh các BTV có tuổi ngồi lặng lẽ, cặm cụi đọc, sửa bản thảo dưới ánh đèn bàn, thì nay họ trẻ trung, năng động, đi lại gặp tác giả, nhà in, tham gia xây dựng kế hoạch giới thiệu tác phẩm trong các chương trình cà phê sách, ngày hội sách... như một nhân sự đa năng. Những hoạt động phát sinh đó cũng gắn liền với khối lượng công việc tăng lên, kéo theo điều kiện thu nhập được cải thiện.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người yêu văn chương
Trong bối cảnh các NXB ngày càng phải tự lo nhiều hơn, cũng như với các công ty-nhà sách vốn là doanh nghiệp tư nhân, bên cạnh chuyên môn thì yếu tố kinh tế đang là đòi hỏi, thách thức và cũng là sự mời gọi đối với BTV văn học. Nhưng điều này được nhận ra rõ nét hơn ở các nhân sự năng động của NXB, nhà sách, đặc biệt là ở các nhà sách, còn ở các cơ quan báo chí văn nghệ thì còn hạn chế do đặc thù công tác gắn với việc xuất bản định kỳ các ấn phẩm văn chương, văn học-nghệ thuật. Thêm nữa, chính các ấn phẩm đó đang gặp nhiều khó khăn về phát hành, tài chính, chiến lược phát triển nên cơ hội sáng tạo trong công tác cũng như điều kiện thu nhập của đội ngũ BTV văn nghệ nói chung ở đây còn nhiều hạn chế.
Ngược lại, ở phía những người làm nghề biên tập phải “chiến đấu” với thị trường, họ có sự phát triển đa dạng theo năng lực, kinh nghiệm, cơ hội, cộng với tiềm lực chung của đơn vị mình. Ở đây, còn có sự phân hóa liên quan đến xuất bản phẩm. Có những tác phẩm chất lượng tốt với mục tiêu thuyết phục người đọc bằng nội dung, có cách truyền thông và tổ chức sự kiện khéo léo, vừa phải. Nhưng cũng xuất hiện không ít sản phẩm trung bình, hạn chế nhưng được cấp giấy phép xuất bản, được tổ chức truyền thông rầm rộ với các cuộc ra mắt hào nhoáng. Thời gian qua, việc không ít sản phẩm chất lượng “khiêm tốn” được ấn hành, đưa ra thị trường, cũng gây ảnh hưởng đến cái nhìn thiện cảm, trân trọng của bạn đọc đối với đời sống văn học, với người sáng tác.
Thực tế này đặt ra những đòi hỏi về trình độ, năng lực BTV văn học nói chung. Có lẽ về xuất phát điểm, ngành xuất bản, hiệp hội về nghề nghiệp, một số NXB chuyên sâu về lĩnh vực văn học và đơn vị đào tạo có ngành xuất bản, ngành văn học rất nên hợp tác xây dựng chương trình, các chuyên đề đào tạo BTV văn học. Hoặc rộng hơn là BTV sách văn hóa, văn học-nghệ thuật, có sự phân nhánh cho từng lĩnh vực. Ở quy mô ngắn hạn hơn là các chương trình bồi dưỡng, tập huấn dành cho BTV văn học đã ra nghề, cho đội ngũ biên tập ở các báo, tạp chí văn nghệ. Trong việc đào tạo bước đầu và lâu dài đó, việc trang bị kiến thức văn học là nền tảng không thể thiếu, nhưng cao và sâu hơn là khả năng phát hiện, khơi gợi sáng tạo cho tác giả; năng lực thẩm định, sửa chữa bản thảo; cũng như kỹ năng, kinh nghiệm trao đổi, làm việc, góp ý với các tác giả. Như vậy có thể khai thác, đón nhận các bản thảo tốt, góp phần phát triển, hoàn chỉnh hơn các bản thảo còn hạn chế. Việc biên tập không chỉ nên dừng ở việc rà soát nội dung, sửa một số lỗi câu chữ, chính tả, tránh những chỗ nhạy cảm về chính trị hay thuần phong mỹ tục.
Riêng về BTV văn học hiện nay, có thể thực hiện cả một đề tài nghiên cứu về tình hình lực lượng, sự phân bố, quá trình trang bị tri thức, kỹ năng, chế độ lương, thực trạng thu nhập, mức sống... như những đối tượng nhân lực có tham gia tác động đến hoạt động xuất bản sách văn học, phát triển văn hóa đọc trong lĩnh vực văn học. Rất đáng suy nghĩ khi đến nay, chúng ta vẫn còn thiếu những nhìn nhận cụ thể, xác thực và rõ nét hơn về lực lượng này. Những nhận thức đó sẽ giúp ích thiết thực cho công tác bồi dưỡng đội ngũ, nâng cao chất lượng biên tập, xuất bản phẩm văn học. Qua đó góp phần tác động đến thẩm mỹ bạn đọc, tác giả văn chương, phát triển văn hóa đọc.
Trong hoàn cảnh hiện nay, việc xây dựng môn học, giáo trình có thể còn xa. Vì thế trước mắt, rất nên tăng cường việc định hướng nghề nghiệp, đào tạo bổ trợ đối với sinh viên các ngành văn học, viết văn, xuất bản... Nên có các hoạt động giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, kỹ năng, nghiệp vụ giữa các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình, dịch giả, BTV văn học giàu kinh nghiệm, cán bộ và BTV các nhà sách có nhiều ấn phẩm văn học chất lượng. Đồng thời, tạo điều kiện cho sinh viên được kiến tập, thực tập thường xuyên hơn, lâu hơn ở các NXB, nhà sách.
Nhà thơ NGUYỄN QUANG HƯNG