Ninh Giang - Hải Dương: Người dân băn khoăn trước những cây cầu dân sinh bị phá dỡ

UBND huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) vừa tiến hành tổ chức cưỡng chế phá dỡ 4 cây cầu dân sinh vi phạm hành lang đê qua sông Đại Phú Giang.

Cưỡng chế nhằm khắc phục hậu quả các vi phạm

Việc thực hiện tổ chức cưỡng chế phá dỡ 4 cây cầu dân sinh vi phạm hành lang đê qua sông Đại Phú Giang thuộc thôn An Lý, xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, diễn ra ngày 17/7.

Ông Nguyễn Xuân Tưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết, việc cưỡng chế được thực hiện theo Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 4/7/2024 của UBND huyện Ninh Giang về việc cưỡng chế thi hành các quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thủy lợi và giao thông tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang và phương án Tổ chức cưỡng chế ngày 9/7/2024 đối với 4/8 hộ dân vi phạm tại kênh Đại Phú Giang, thôn An Lý, xã Hưng Long.

Hải Dương: Người dân chưa đồng thuận việc cưỡng chế cầu dân sinh ở huyện Ninh Giang
Việc thực hiện tổ chức cưỡng chế phá dỡ 4 cây cầu dân sinh vi phạm hành lang đê qua sông Đại Phú Giang thuộc thôn An Lý, xã Hưng Long

Các hộ gia đình thuộc diện bị cưỡng chế vi phạm xây cầu dân sinh gồm các ông/bà: Nguyễn Văn Hới, Nguyễn Mạnh Hằng, Nguyễn Hữu Hiếu, Phạm Thị Loãn cùng ở thôn An Lý, xã Hưng Long.

Việc phá dỡ các cây cầu dân sinh này được chính quyền địa phương xác định là công trình xây dựng trái phép buộc tháo dỡ vi phạm. Các công trình vi phạm buộc tháo dỡ cầu bê-tông cốt thép cùng các hạng mục lán tạm trên bờ kênh Đại Phú Giang.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Xuân Tưởng, đây là các hộ dân chưa chấp hành thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thủy lợi và giao thông nên Ban Chỉ đạo cưỡng chế. tổ chức thực hiện cưỡng chế. Các công trình vi phạm nằm trong phạm vi công trình thủy lợi kênh Đại Phú Giang và kênh T6, Trạm bơm Hiệp Lễ dọc tuyến đường tỉnh lộ 396 trên địa bàn huyện Ninh Giang.

“Việc tổ chức các biện pháp cưỡng chế thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và tính hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước về giao thông, thủy lợi trên địa bàn. Việc xử lý dứt điểm, kiên quyết sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của các hộ dân trong việc thực hiện đúng các quy định về giao thông, thủy lợi”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Xuân Tưởng cho hay.

Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Tưởng nhấn mạnh: “Việc thực hiện cưỡng chế đã được các cơ quan, ban ngành họp bàn, thống nhất theo trình tự thủ tục và đúng quy định. Về thực trạng này, toàn tỉnh vi phạm rất lớn. Do đó, đây là giải pháp khắc phục hậu quả nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn những trường hợp vi phạm khác, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi và hành lang an toàn giao thông”.

Theo ghi nhận của Báo Công Thương, trong ngày 17/7, UBND huyện Ninh Giang tổ chức nhiều lực lượng tham gia cưỡng chế, lập hàng rào, căng dây an toàn quanh khu vực. Nhiều người dân địa phương hiếu kỳ đến theo dõi lực lượng cưỡng chế các công trình vi phạm trên.

Tại buổi cưỡng chế, phóng viên ghi nhận một số hộ dân còn băn khoăn trước quyết định cưỡng chế của UBND huyện Ninh Giang.

Băn khoăn trước quyết định cưỡng chế

Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Hanh (1 trong 4 hộ có cầu bị cưỡng chế đợt 1) cho biết, gia đình ông đã về sinh sống tại khu vực này gần 20 năm nay, chấp hành mọi quy định của pháp luật.

Ông Hanh xác nhận, ông có xây dựng 1 cây cầu thuộc diện cưỡng chế trong đợt này. Nhưng đến thời điểm hiện tại, ông không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc cưỡng chế.

“Sáng nay, lực lượng cưỡng chế đến thông báo, cây cầu dân sinh của tôi thuộc diện bị cưỡng chế. Tôi có trao đổi việc này với ông Nguyễn Xuân Tưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang về việc cưỡng chế không đúng đối tượng, và xin tạm hoãn để làm rõ nhưng ông Tưởng không chấp thuận” – ông Hanh nói.

Ninh Giang - Hải Dương: Người dân băn khoăn trước những cây cầu dân sinh bị phá dỡ
Bố để anh Nguyễn Văn Hanh xót xa vì sự mất mất cây cầu là quá lớn đối với kinh tế gia đình

“Cây cầu này thuộc tài sản nằm trên đất nhà tôi, nhưng tôi không có tên trong danh sách cây cầu buộc cưỡng chế mà chính quyền lại thông báo cưỡng chế đối với ông Nguyễn Văn Hới (em trai ông Nguyễn Văn Hanh nhà ở kế bên - PV) không phải là người sở hữu cây cầu này. Thực tế, tôi đang cho ông Nguyễn Văn Hới đi nhờ”, ông Nguyễn Văn Hanh bức xúc nói.

Ông Hanh cho rằng, đây là việc làm quá vội vã của chính quyền, khiến gia đình ông không có thời gian chuẩn bị, gây tổn hại đến tài sản của ông.

Cũng là một trong các gia đình có cầu bị cưỡng chế, ông Nguyễn Hữu Hiếu cho biết, việc chính quyền cưỡng chế phá dỡ cầu dân sinh - lối đi duy nhất của gia đình ông khi chưa đưa ra giải pháp an sinh là chưa thỏa đáng.

“Chúng tôi đã kiến nghị giữ lại một vài cây cầu và tạo hành lang đi chung phía trước nhà nhưng vẫn chưa được chính quyền đồng ý. Giờ gia đình tôi phải trèo tường vào nhà hoặc phá nhà mở đường làm lối đi ra phía sau nhà. Tôi đề nghị các cấp chính quyền xem xét lại đến quyền lợi chính đáng của các hộ gia đình".

Thất thần trước việc nhà và cầu bị cưỡng chế, ông Nguyễn Mạnh Hằng cho rằng, gia đình ông hiện có 13 nhân khẩu sinh sống tại lán tạm và cây cầu này suốt bao năm qua, song giờ bị cưỡng chế, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn về nơi ở.

“Gia đình tôi sinh sống ở đây 3 thế hệ, các cháu không có nhà đều ở với chúng tôi để ổn định đời sống, dựa cả vào quán ăn và chỗ sửa chữa xe đạp này. Khu đất của gia đình tôi là đất ở 50 năm, có giấy tờ của xã và huyện xác minh. Vì khi tôi cùng các hộ dân mua đất 04 (đất đấu thầu) về đây ở, cả khu này không có đường đi, toàn vũng sình lầy nên tôi làm cây cầu này để thuận tiện cho việc đi lại. Bây giờ cầu và lán tạm bị phá dỡ, gia đình chúng tôi không biết ở đâu?”, ông Nguyễn Mạnh Hằng buồn bã nói.

Ông Hằng cho rằng, ông có kiến nghị xin 10 ngày để tự tháo dỡ công trình vi phạm và bố trí nơi ở cho các con nhưng không được đồng ý.

Ninh Giang - Hải Dương: Người dân băn khoăn trước những cây cầu dân sinh bị phá dỡ
Nơi sinh sống gần 20 năm của gia đình ông Nguyễn Mạnh Hằng trước khi bị phá dỡ

Liên quan đến thông tin của ông Nguyễn Văn Hanh phản ánh về việc cưỡng chế không đúng đối tượng, theo thông tin từ UBND huyện Ninh Giang, ngày 12/7/2024, Ban chỉ đạo cưỡng chế huyện đã ban hành các Thông báo về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Nguyễn Văn Hới, Nguyễn Mạnh Hằng, Nguyễn Hữu Hiếu, Phạm Thị Loãn vi phạm lĩnh vực giao thông thủy lợi tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang và gửi qua đường bưu điện nhưng các hộ dân không nhận, UBND xã Hưng Long đã thông báo công khai trên hệ thống Đài truyền thanh xã.

Theo ông Nguyễn Xuân Tưởng, thời gian vừa qua, UBND huyện Ninh Giang đã tổ chức vận động người dân phá dỡ khoảng 300 cây cầu vi phạm trên các công trình thủy lợi tại địa bàn huyện. Từ giờ đến cuối năm, huyện sẽ tiếp tục thực hiện việc tháo dỡ khoảng hơn 100 cây cầu vi phạm về giao thông, thủy lợi.

Trước đó, ngày 15/7, tại buổi tiếp dân của UBND huyện Ninh Giang, 8 hộ dân trong diện chưa đồng thuận tháo dỡ cầu tại thôn An Lý, Hưng Long, Ninh Giang đã kiến nghị tạm hoãn cưỡng chế phá dỡ cầu để chính quyền và người dân tìm giải pháp đảm bảo an sinh cho người dân trước khi cầu bị phá. Vì hiện tại, nhiều gia đình chưa có lối đi và mong muốn được giữ lại một số cây cầu đảm bảo an toàn, đồng thời làm lối đi chung phía trước cho các hộ. Song, đại diện UBND huyện khẳng định: Quyết định cưỡng chế không thể hoãn, yêu cầu người dân chấp hành đúng theo quy định.

Dự kiến ngày 12/8, Ban Chỉ đạo cưỡng chế thuộc UBND huyện Ninh Giang sẽ tổ chức cưỡng chế đối với 4 hộ dân còn lại ở xã Hưng Long có công trình vi phạm.

Liên quan đến sự việc, theo người dân phản ánh, năm 2004, UBND xã Hưng Thái (nay là Hưng Long) huyện Ninh Giang đã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất cho các đối tượng đủ tiêu chuẩn giãn dân để làm nhà ở theo qui hoạch phân bổ sử dụng đất giai đoạn 1995-2005 và quy hoạch sử dụng đất bổ sung giai đoạn 2002-2013 đã được UBND huyện phê duyệt.

Theo sơ đồ bản vẽ có thể hiện đường đi, sát mương tưới tiêu nội đồng. Tuy nhiên, theo người dân, thực tế tại thời điểm trúng đấu giá đất chưa có hạ tầng giao thông (chưa có đường, nhiều đoạn là vùng trũng, chưa có điện, nước) phục vụ cho đời sống sinh hoạt. Do đó, các hộ dân đã tự bắc cầu qua sông làm lối đi. Nhiều cây cầu đã tồn tại suốt 20 năm.

 
Lượt xem: 5
Tác giả: Đỗ Nga - Quang Sơn