Xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết
Đặc thù các hoạt động giao tiếp trên không gian mạng là gián tiếp và có thể ẩn danh nên người nào có được dữ liệu cá nhân là người đó có cơ hội làm chủ tài khoản, làm chủ giao dịch. Chính vì vậy, việc dùng danh tính của người khác từ việc sử dụng thông tin của họ có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Từ đó, nhu cầu bảo vệ dữ liệu, thông tin của tổ chức, cá nhân ngày càng trở nên cấp bách, cấp thiết trong các hoạt động trên không gian mạng.
Thời gian qua, rất nhiều người bức xúc vì bị làm phiền, thậm chí là bị lừa đảo bởi những “cuộc gọi rác”, “tin nhắn rác” cùng nhiều nội dung mời chào không mong muốn. Bản thân tôi cũng liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn như vậy. Đây chính là một trong rất nhiều hệ lụy của việc lộ lọt thông tin cá nhân. Thực trạng này cũng phản ánh vấn đề thu thập, quản lý, sử dụng trái phép thông tin cá nhân; thậm chí là mua bán dữ liệu, thông tin cá nhân đang diễn ra khá phổ biến, chưa được kiểm soát tốt. Vì vậy, đã đến lúc cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các giải pháp, biện pháp để xử lý đối với việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân cũng như bảo vệ tốt hơn nữa dữ liệu điện tử về thông tin cá nhân nhằm bảo đảm an ninh, an toàn mạng, bảo vệ quyền lợi của công dân theo quy định của pháp luật, khi khoa học-công nghệ phát triển, xu hướng kết nối toàn cầu, hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Một tài khoản công khai rao bán thông tin cá nhân trên một nhóm facebook. Ảnh chụp màn hình |
Dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện được quy định ở khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tập trung nhất ở Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Quy định tại các văn bản này đã phần nào đáp ứng được yêu cầu bảo mật thông tin, bảo vệ quyền nhân thân của công dân, bí mật đời tư cá nhân; làm cơ sở để thực hiện các thủ tục hành chính, bảo đảm an toàn trong các quan hệ dân sự, kinh tế, lao động, hành chính. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học-công nghệ đòi hỏi pháp luật phải hoàn thiện hơn để bảo vệ công dân, bảo vệ các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng từ việc bảo vệ dữ liệu, thông tin của tổ chức, cá nhân. Trường hợp thông tin của tổ chức, cá nhân bị sử dụng trái phép, bị mua bán, chiếm đoạt thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các chủ thể trong các quan hệ pháp luật; những hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống của công dân hoàn toàn có thể xảy ra; những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn mạng.
Bởi vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ pháp luật, bảo vệ quyền nhân thân và quyền tài sản của công dân thì việc hoàn thiện chính sách pháp luật về an ninh, an toàn mạng, về bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết. Cần phải kịp thời bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử, thương mại điện tử, an ninh mạng, dữ liệu điện tử, dữ liệu cá nhân... tiến tới hợp thức các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư thành những văn bản luật để bảo đảm tính ổn định cao, có tính bao quát và điều chỉnh trực tiếp các vấn đề liên quan đến dữ liệu điện tử, liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.
Việc Bộ Công an trình Chính phủ xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín (tháng 5-2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ mười (tháng 10-2025) là phù hợp. Bởi dữ liệu cá nhân là bí mật riêng tư, là tài sản trên không gian số, là quyền cơ bản của người dân mà theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì những gì liên quan tới quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân phải được quy định trong luật. Luật này cần có các quy định chặt chẽ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi thu thập, sử dụng, mua bán, chiếm đoạt trái phép dữ liệu cá nhân nhằm răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội; đồng thời, cần tương thích với các luật khác như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử và các luật về thương mại để tạo cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân hiệu quả. Ngoài ra, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng phải hướng đến cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch, gia tăng sự hài lòng của người dân với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; hình thành và từng bước mở rộng kho dữ liệu tổng hợp, mở để người dân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng...
Tiến sĩ, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)