Cả nước tuyển được 30 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào công chức, viên chức
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã tuyển được 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
100% bộ, địa phương đã hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác tổ chức bộ máy.
Đơn cử, nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; quyết định về kế hoạch xây dựng Quy hoạch Tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian.
Các địa phương cũng tích cực thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, theo đó đã giảm 10 tổ chức (chi cục, phòng và tương đương) của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và giảm 8 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện.
Đáng chú ý, đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm. Bộ Nội vụ đã tổng hợp danh mục vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, cơ quan thuộc Chính phủ và đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở thông tư hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Về tinh giản biên chế công chức, viên chức, theo ông Long, các bộ, ngành, địa phương đã giảm 3.853 người. Trong đó, bộ, ngành là 107 người (47 công chức, 60 viên chức), địa phương là 3.746 người (530 công chức, 3.216 viên chức).
Triển khai kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, các địa phương đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã để tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp theo quy định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, đến nay, 53 tỉnh, thành phố có thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã hoàn thiện phương án tổng thể, trong đó cấp huyện thực hiện sắp xếp 49 đơn vị và cấp xã là 1.247 đơn vị.
Tính đến ngày 30/6, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Bộ Nội vụ đã chủ trì tổ chức thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua đề án của 5 địa phương (gồm: Nam Định, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Ninh Thuận).
9 địa phương khác đang hoàn thiện đề án sau thẩm định là Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Hải Dương, Quảng Trị, Cà Mau, Yên Bái, Bình Định, Tiền Giang.
Ngoài ra, có 14 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm định (3 địa phương đã tổ chức khảo sát; 11 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ) và 25 tỉnh, TP đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề án.
Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế
Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tuyển dụng được 13.965 người (bộ, ngành tuyển dụng 169 công chức, 391 viên chức; địa phương tuyển dụng 1.519 công chức, 11.886 viên chức).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long. Ảnh: Đ.X |
Đặc biệt, đã tuyển dụng theo Nghị định số 140 được 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (bộ, ngành tuyển dụng 4 người, địa phương 26 người) để bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ lưu ý, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhiều nơi còn thấp, động lực làm việc không cao, tinh thần cải cách chưa mạnh mẽ.
Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương có nơi, có lúc còn chậm; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn nhiều vướng mắc, hiệu quả chưa cao.
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính những tháng cuối năm 2024 và những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính thời gian tới.
Nhiều phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2024 đã được đề ra.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị.
Đi cùng là cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các cơ chế, chính sách mới trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức như quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung… Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách cải cách tiền lương từ 1/7, cũng là nhiệm vụ được đặt ra.