Lừa đảo qua mạng gia tăng, hoạt động “tín dụng đen” phức tạp
Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay, năm qua, hành vi lừa đảo qua mạng gia tăng; hoạt động “tín dụng đen”, vay tiền nhanh trên nền tảng di động và qua mạng diễn ra phức tạp.
Thông tin này được Thiếu tướng Đặng Hồng Đức cho biết tại Hội nghị Trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, sáng ngày 17/1.
Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho hay, năm qua tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra phức tạp, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án mang tính cảnh báo.
“Nhưng trong một số lĩnh vực, hành vi sai phạm, tiêu cực vẫn xảy ra, mang tính hệ thống”, theo ông Đức.
Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng cho hay, nhóm tội phạm liên quan tới chiếm đoạt tài sản gia tăng, nhất là lừa đảo trên không gian mạng với nhiều thủ đoạn, gây thiệt hại trên diện rộng.
Đáng chú ý, tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên với hành vi lừa đảo qua mạng gia tăng; tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua không gian mạng với số tiền lớn, biến tướng nhiều hình thức; mua bán thông tin, tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân, tấn công mạng, phát tán mã độc, vi rút máy tính, phần mềm gián điệp, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để phạm tội.
Hoạt động “tín dụng đen”, vay tiền nhanh, vay ngang hàng trên các nền tảng di động và qua mạng diễn ra phức tạp, một số vụ do đối tượng người nước ngoài cầm đầu điều hành các trang mạng, đường dây phạm tội.
Ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Thường trực, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 thông tin, năm qua nổi lên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép vận chuyển trái phép ma túy, vật liệu nổ, động vật hoang dã, ngoại tệ, thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử… qua dịch vụ bưu chính viễn thông, chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa, hành lý.
Tại khu vực trung tâm và địa bàn thành thị các tỉnh, TP, nổi lên hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến để kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Các đối tượng triệt để lợi dụng sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến, dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…”, ông Hải đề cập đến phương thức, thủ đoạn mới.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo tiếp tục thực hiện các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới, vùng biển, địa bàn nội địa, cảng hàng không quốc tế, trong hoạt động thương mại điện tử.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng kiểm soát tình trạng sim rác. Bởi đây chính là công cụ tội phạm dùng để vi phạm trên không gian mạng, chiếm đoạt tài sản.
Báo cáo cho thấy, năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ). Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,73% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ); 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 48% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách Nhà nước 14.865,347 tỷ đồng (tăng 17,30% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 616 vụ (giảm 4,05% so với cùng kỳ), 724 đối tượng (tăng 0,56% so với cùng kỳ). Với đấu tranh tội phạm, lực lượng công an đã điều tra, khám phát trên 44.733 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ trên 77%; triệt xóa 126 băng nhóm tội phạm có tổ chức; bắt, vận động đầu thú; thanh loại 4.511 đối tượng truy nã. |