Xác minh kỹ thông tin giao dịch trước khi quét mã chuyển tiền mua sắm

Càng về dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm giao dịch thường tăng cao. Đây cũng là thời điểm để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền qua hình thức quét mã QR thanh toán có cơ hội hoạt động. Do vậy, để tránh thiệt hại tiền về không đúng tài khoản, các chủ cửa hàng và mỗi khách hàng cần nâng cao ý thức thận trọng xác minh kỹ càng thông tin giao dịch trước khi quét mã QR để chuyển tiền.

Article thumbnail
Thanh toán quét mã QR rất thuận tiện, nhưng cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển khoản. Ảnh: BP

Thanh toán trực tuyến qua hình thức quét mã QR của tài khoản hiện đang là một trong những hình thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam. Tại nhiều cửa hàng, điểm bán hàng mua sắm thì mã thanh toán QR của chủ tài khoản thường được in và đóng khung tại quầy. Một số nơi còn sao thành nhiều bản, dán tại nhiều khu vực trong cửa hàng. Đây cũng là kẽ hở để các đối tượng tội phạm thực hiện hành vi dán đè mã QR giả mạo lên mã QR thật nhằm trục lợi bất chính.

Trên thực tế, cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều bị hại là các chủ cửa hàng của chiêu trò lừa đảo này.

Nhớ lại thời điểm gần Tết Nguyên đán năm 2023, anh Nguyễn Văn Du (một chủ cửa hàng bánh kẹo, hoa quả nhập khẩu ở Hà Nội) chia sẻ: Hôm đó, một khách hàng vào mua giỏ hàng Tết trị giá hơn 1 triệu đồng, và thực hiện thành công việc thanh toán qua hình thức quét mã QR để tại quầy. Nhưng tài khoản của anh lại không có thông báo biến động số dư, lúc này kiểm tra lại thì anh mới biết mã QR của mình để tại quầy thanh toán đã bị kẻ gian dán đè mã QR giả mạo lên từ lúc nào không hay!

Các đối tượng tội phạm không chỉ dán đè mã QR tại những cửa hàng mua bán, mà ngay tại những nơi đông người thường xuyên có hoạt động giao dịch thanh toán cũng là điểm được nhắm tới.

Đơn cử, tháng 10/2023, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một số đối tượng xấu đã thực hiện dán mã QR giả mạo tại mặt ngoài một số quầy thanh toán viện phí của viện để chiếm đoạt tài sản. Việc này có thể dẫn đến việc người nhà bệnh nhân chuyển nhầm tiền thanh toán viện phí vào tài khoản của các đối tượng xấu. Bệnh viện đã phát hiện và gỡ bỏ các mã QR lừa đảo này.

Để hạn chế tình trạng chuyển tiền nhầm khi quét mã QR, đại diện dự án chống lừa đảo khuyến nghị người dùng khi quét mã xong cần đọc lại thông tin số tài khoản và tên chủ tài khoản với chủ cửa hàng. Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra khuyến cáo người dùng cần cảnh giác với những mã QR code được chia sẻ trên mạng xã hội. Cần kiểm tra kỹ thông tin của những tài khoản trước khi chuyển tiền. Các đơn vị cung cấp mã QR cần kiểm tra thường xuyên các mã QR được dán tại địa điểm cung cấp.

Theo luật sư Nguyễn Quang Hùng, nếu bị dán đè mã QR giả mạo, khách đã chuyển vào tài khoản của kẻ gian, thì người bị thiệt hại chính là người bán hàng, chủ cửa hàng rất khó để yêu cầu khách hàng chuyển khoản lại lần 2 vì họ đã thực hiện việc quét mã QR thanh toán mà cửa hàng cung cấp. Do vậy, để tránh các hành vi lừa đảo trục lợi, nảy sinh phiền phức cho cả đôi bên, người bán hàng cần thường xuyên kiểm tra lại mã QR của mình, và người tiêu dùng cũng cần xác minh kỹ các thông tin giao dịch trước khi quét mã chuyển tiền, nhất là thời điểm cuối năm khi mà nhu cầu mua sắm tăng cao, các chủ cửa hàng thường bận việc bán hàng sẽ dẫn đến những lơ là trong kiểm tra các điểm dán mã QR thanh toán.