Người cao tuổi đang nhận trợ cấp xã hội thấp hơn so với mặt bằng mức sống

Thương binh và Xã hội đánh giá, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi còn thấp so với mặt bằng mức sống hiện nay. Ngoài ra, nhiều người không chờ được 80 tuổi để hưởng lương hưu xã hội.

Người cao tuổi đang nhận trợ cấp xã hội thấp hơn so với mặt bằng mức sống

Nhiều người không chờ được đến 80 tuổi để hưởng lương hưu xã hội. Ảnh minh họa: Minh Hồng

Nhiều người không chờ được 80 tuổi để hưởng lương hưu xã hội

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 12 năm thực hiện Luật Người cao tuổi, các bộ, ngành và địa phương đã thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác người cao tuổi ở các địa phương hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.

Đơn cử như, một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi, thiếu quan tâm, chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể.

Công tác khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi tại một số địa phương mới chỉ thực hiện đối với người cao tuổi trên 80 tuổi. Đối với đối tượng người cao tuổi còn lại (từ trên 60 tuổi đến 79 tuổi) thực hiện còn hạn chế do khó khăn về nguồn kinh phí bố trí.

Đặc biệt, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi còn thấp so với mặt bằng mức sống hiện nay, nhiều người không chờ được 80 tuổi để hưởng lương hưu xã hội (trợ cấp hưu trí do ngân sách nhà nước chi trả cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội); mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng chưa được các địa phương quan tâm thực hiện.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, người cao tuổi từng tham gia kháng chiến nghỉ hưu thu nhập cũng rất thấp so với người không tham gia kháng chiến nghỉ hưu, điều này cũng chưa hợp lý.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm

Vì thế, Bộ đang xây dựng báo cáo tổng kết thi hành pháp luật, chính sách đối với người cao tuổi giai đoạn 2010 - 2023, đề xuất định hướng chiến lược quốc gia về người cao tuổi giai đoạn tới.

Trong đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trong giai đoạn tới cần giải quyết đồng bộ các vấn đề về người cao tuổi trong thời kỳ già hóa dân số, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm và tri thức của người cao tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng.

Cùng với đó, cần thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi; chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi cả về thể chất, vật chất lẫn tinh thần…

Tại hội nghị tổng kết công tác ngành mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2024, Bộ tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, thực hiện tốt chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, bảo đảm các đối tượng yếu thế được trợ giúp ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt cũng sẽ được đẩy mạnh, nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng yêu cầu bao phủ điểm rút tiền mặt từ tài khoản đến tận cấp xã, phường, thuận tiện, an toàn và phù hợp với đặc thù của đối tượng bảo trợ xã hội.

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.