Làm rõ trách nhiệm đơn vị thi công vỉa hè cắt rễ cây xanh

Chỉnh trang vỉa hè là cần thiết để nâng cấp hạ tầng đô thị, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng tác động đến hệ thống cây xanh lâu năm. Việc cải tạo phải đi kèm giải pháp khoa học và quy định rõ trách nhiệm bảo vệ bộ rễ, tránh tình trạng chặt hạ cây mỗi lần thi công.

Làm rõ trách nhiệm đơn vị thi công vỉa hè cắt rễ cây xanh

Một số cây bị cắt tỉa cành nhánh trơ trọi. Ảnh: Minh Tâm

Người dân xót xa khi cây xanh bị đốn hạ

Những ngày qua, người dân TPHCM không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng loạt cây xanh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) bị đốn hạ trong quá trình thi công cải tạo, nâng cấp vỉa hè. Đoạn đường từ công viên Tao Đàn đến Cung Văn hóa Lao động, vốn rợp bóng cây xanh, nay trở nên trơ trọi.

Bà Thu Lan (tên đã thay đổi) ngụ quận 3 cho biết, bà thường xuyên đi tập thể dục tại khu vực công viên Tao Đàn và có thấy một số cây cổ thụ to đã bị chặt hạ trong quá trình cải tạo vỉa hè.

“Trước khi thực hiện cải tạo vỉa hè cũng phải xem làm cách nào để không ảnh hưởng đến cây chứ không phải nói làm hư bộ rễ, sợ ngã đổ nên chặt thì không thể chấp nhận được” - bà Lan nói.

Cần làm rõ trách nhiệm trong việc chỉnh trang vỉa hè ảnh hưởng cây xanh

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM, chỉ riêng trên đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) đã có 17 cây lim sẹt hơn 20 năm tuổi bị đứt rễ do quá trình cải tạo vỉa hè. Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão sắp tới, đơn vị đã quyết định đốn 9 cây. Còn tính cả trên địa bàn quận 1, có đến 623 cây xanh bị ảnh hưởng sau khi cải tạo vỉa hè.

Nguyên nhân chính được xác định là do các đơn vị thi công sử dụng phương tiện cơ giới phá dỡ, đào sát gốc, gây đứt rễ cây. Việc thi công chủ yếu diễn ra vào ban đêm, gây khó khăn cho việc giám sát.

Trước tình hình này, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM đã đề nghị UBND quận 1 hỗ trợ giám sát và khuyến cáo các đơn vị thi công tuân thủ quy định, tránh gây tổn hại cây xanh.

Lãnh đạo UBND quận 1 cho biết, ngay sau sự việc xảy ra, đơn vị đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 1 có văn bản yêu cầu tất cả các đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện công tác cải tạo, nâng cấp vỉa hè trên địa bàn quận 1 khẩn trương rà soát, tạm dừng thi công và tái lập lại toàn bộ các vị trí, bồn cây xanh đã bị xâm hại.

Trong trường hợp nếu tiếp tục tái diễn hành vi xâm phạm cây xanh như thời gian qua, UBND quận 1 kiên quyết xử lý triệt để trách nhiệm của đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát, đồng thời xem xét tạm ngưng thi công, tạm ngừng hợp đồng và kiến nghị các cơ quan chức năng xử phạt đối với các đơn vị nhà thầu cố tình vi phạm.

Sở Giao thông Công chính vừa có văn bản đề nghị UBND thành phố Thủ Đức, UBND các quận, huyện và đơn vị đảm bảo an toàn, sinh trưởng của hệ thống cây xanh khi tổ chức thi công các công trình trên địa bàn.

Đặc biệt, trường hợp thi công ảnh hưởng đến cây xanh, sở yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công phải thông báo ngay cho đơn vị quản lý cây xanh để đánh giá, xử lý kịp thời; đồng thời xác định, kiểm điểm trách nhiệm và xử lý vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định.

Di dời cây xanh đến nơi khác thay vì chặt bỏ

Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho rằng, việc chỉnh trang vỉa hè là cần thiết trong nâng cấp hạ tầng đô thị, nhưng phải đặc biệt lưu ý tác động đến cây xanh lâu năm.

Ông nhấn mạnh bài học từ các đợt cải tạo trước đây, khi nhiều cây bị chặt bỏ khiến thành phố nóng hơn, mất cảnh quan và gặp phản ứng mạnh từ người dân. Nếu không có kế hoạch trồng bù hoặc thay thế kịp thời, hệ lụy môi trường sẽ rất lớn.

Tiến sĩ Thắng đề xuất cần khảo sát khoa học từng cây để quyết định có di dời hay không, hoặc điều chỉnh thiết kế vỉa hè để giữ nguyên cây. Theo ông, chỉnh trang đô thị cần đặt yếu tố môi trường và sinh thái lâu dài lên hàng đầu, vì một thành phố đáng sống không chỉ có hạ tầng hiện đại mà còn cần không gian xanh bền vững cho cộng đồng.

Lượt xem: 6
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...