Thái Bình: Thụ lý điều tra 12 vụ, 43 bị can liên quan đến tham nhũng
Quý 1 năm 2025, Công an tỉnh Thái Bình đã thụ lý điều tra 12 vụ, 43 bị can liên quan đến tham nhũng (kỳ trước chuyển sang 10 vụ, 36 bị can; khởi tố mới 2 vụ, 7 bị can); đã kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh truy tố 11 vụ, 40 bị can, đang điều tra 1 vụ, 3 bị can; Toà án Nhân dân 2 cấp đã xét xử 5 vụ, 28 bị cáo.
Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Thái Bình về công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực tổ chức cuộc họp tháng 2/2025. Ảnh: TC
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Thái Bình đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, các quy định mới của pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn theo quy định…
Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã ban hành 75 văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN; 100% cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch công tác PCTN, tiêu cực năm 2025; các tổ chức Thanh tra trong tỉnh đã chủ động thực hiện kế hoạch thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN gắn với cuộc thanh tra thẩm quyền, trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các huyện, TP trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC).
Trong kỳ, toàn tỉnh đã tổ chức 22 lớp tuyên truyền pháp luật về PCTN, tiêu cực với sự tham gia của 2.034 lượt cán bộ, công chức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh…
Cùng với đó, tỉnh Thái Bình đã đặc biệt chú trọng việc minh bạch hóa tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức. Toàn bộ 43 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập; 100% số cơ quan, đơn vị đã thực hiện công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
Cuối tháng 12/2024, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định về việc phê duyệt nội dung kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2025 của Thanh tra tỉnh; theo đó, có 10 đơn vị có người được xác minh tài sản, thu nhập.
Ngày 17/3/2025, Thanh tra tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 168 về việc xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền và tổ chức bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập. Hiện nay, đang triển khai, tổ chức thực hiện việc xác minh.
Ngành Thanh tra tỉnh Thái Bình cũng đã tiến hành 15 cuộc thanh tra hành chính và 107 cuộc kiểm tra chuyên ngành tại 129 đơn vị. Qua đó, phát hiện sai phạm 888 triệu đồng; quyết định xử phạt và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 3.790 triệu đồng.
Các cấp, ngành trong tỉnh tiếp 1.128 lượt công dân đến KN, TC, kiến nghị, phản ánh về 772 vụ việc. Tiếp nhận 1.024 đơn; trong đó, có 815 đơn đủ điều kiện xử lý về 671 vụ việc (43 KN; 82 TC; 690 kiến nghị, phản ánh).
Đến nay, đã giải quyết 23/42 đơn thuộc thẩm quyền (10/15 KN; 13/27 TC). Qua giải quyết TC, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc, 1 đối tượng; xử lý hành chính 1 cá nhân.
Đáng chú ý, cơ quan Công an tỉnh Thái Bình đã thụ lý điều tra 12 vụ, 43 bị can liên quan đến tham nhũng (kỳ trước chuyển sang 10 vụ, 36 bị can; khởi tố mới 2 vụ, 7 bị can); đã kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh truy tố 11 vụ, 40 bị can, đang điều tra 1 vụ, 3 bị can; Toà án Nhân dân 2 cấp đã xét xử 5 vụ 28 bị cáo.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Bình đã tăng cường chỉ đạo các địa phương, đơn vị nghiêm túc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, gắn với kiểm điểm, tự phê bình, phê bình và đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hàng năm. Một số cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc xử lý, thay đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức có vi phạm trong thực thi nhiệm vụ, trong ứng xử, giao tiếp với công dân.
Song song với đó, tỉnh Thái Bình không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo môi trường làm việc hiệu quả và minh bạch. Toàn bộ thủ tục hành chính tại tỉnh đều được giải quyết theo mô hình “5 tại chỗ,” giảm thiểu tối đa thời gian xử lý và loại bỏ các yếu tố tiêu cực. Việc thanh toán qua tài khoản cũng được triển khai toàn diện, góp phần nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công…
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác PCTN, tiêu cực của tỉnh Thái Bình vẫn đối mặt với một số thách thức như các quy định pháp luật còn thiếu đồng bộ; khó khăn trong việc tự kiểm tra nội bộ và sự phức tạp của các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng đôi khi chưa đạt được hiệu quả tối ưu, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý và phòng ngừa…
Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các lĩnh vực nhạy cảm như quản lý đất đai, đầu tư công, tài chính công và đấu thầu, xây dựng…; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập. Đồng thời, khuyến khích vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng và người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn tham nhũng; đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục pháp luật về PCTN…
Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, công tác PCTN, tiêu cực của tỉnh Thái Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thực tế cho thấy, công tác này không chỉ nhằm bảo vệ hiệu quả quản lý Nhà nước mà còn khẳng định trách nhiệm của tỉnh Thái Bình trong việc xây dựng một môi trường quản lý liêm chính, công bằng, lành mạnh và phát triển bền vững. Đây sẽ là động lực để tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới vì một xã hội minh bạch và tiến bộ.