Dấu hỏi về sự công bằng từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Rất nhiều dấu hỏi đặt ra sau khi UBND tỉnh Thái Bình quyết định cho thanh tra đột xuất, toàn diện đối với việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay.

Dấu hỏi về sự công bằng từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Một số báo danh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 tại Thái Bình có điểm thi tăng cao bất thường trước và sau khi phúc khảo. Ảnh người dân cung cấp

Ông Lại Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - vừa ký ban hành công văn số 2879/UBND-NCKS gửi Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông về việc thanh tra việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 tại tỉnh Thái Bình.

Theo nội dung công văn, UBND tỉnh Thái Bình nhận được đơn của công dân và dư luận xã hội phản ánh những bất thường về điểm thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 tại tỉnh Thái Bình.

“Những bất thường” đó là việc có đến 18 số báo danh, điểm thi không phản ánh đúng kết quả làm bài.

Và sau khi nộp đơn phúc khảo, điểm mới có sự chênh lệch lớn so với điểm cũ. Cá biệt số báo danh 260xxx có điểm thi môn Toán tăng từ 3,75 lên 9,5 điểm, chênh lệch 5,75 điểm.

Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên và cho rằng, kỳ thi này ở Thái Bình có nhiều điều bất thường, thiếu công bằng, gây thiệt thòi và tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho học sinh.

Đáng nói là sự bất thường - nhiều thí sinh chênh lệch điểm sau khi phúc khảo như thế này trong kỳ thi vừa qua không chỉ diễn ra ở tỉnh Thái Bình mà còn có ở nhiều địa phương khác như Hà Nam (thi vào lớp 6), Thanh Hoá (thi vào Trường chuyên Lam Sơn).

Ở Hà Nam và Thanh Hóa, những người có trách nhiệm đều đưa ra nguyên nhân để giải thích là do "lên điểm nhầm" và “ráp nhầm phách”. Ở Thái Bình thì chưa thấy công bố nguyên nhân chính thức.

Cho nên, việc UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo thanh tra đột xuất, toàn diện kỳ thi là cần thiết, kịp thời để sớm làm rõ nguyên nhân, cho phụ huynh, học sinh, giáo viên và dư luận một câu trả lời thỏa đáng.

Việc có nhiều thí sinh của nhiều địa phương khác nhau cùng bị chung một “sự cố” trong các kỳ thi khác nhau thì không còn đơn giản là “sự cố” nữa mà là sự bất bình thường có dấu hiệu của tính hệ thống, lặp lại.

Điều này khiến dư luận đặt ra rất nhiều dấu hỏi lớn về sự công bằng, nghiêm minh, trách nhiệm đối với các kỳ thi rất quan trọng như vào lớp 6, vào lớp 10...

Qua việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có sự vào cuộc để tìm nguyên nhân, đưa giải pháp chấn chỉnh hiệu quả nhằm bảo đảm sự minh bạch và công bằng trong tất cả các khâu của các kỳ thi. Đây cũng là cách để khôi phục niềm tin của người dân, trước hết đối với thi cử!