Chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam với tất cả trách nhiệm, nghĩa tình

Nhân kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 / 10-8-2024) và hưởng ứng Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10-8), Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin Việt Nam có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về kết quả xây dựng và hoạt động của Hội, cũng như các giải pháp tăng cường vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

Phóng viên (PV): Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã trải qua chặng đường hơn 20 năm xây dựng, trưởng thành. Đề nghị đồng chí khái quát những thành tích, kết quả nổi bật của Hội? 

Trung tướng Nguyễn Hữu Chính: Ngày 10-1-2004, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam được thành lập, với sứ mệnh cao cả là đấu tranh đòi công lý và chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Qua hơn 20 năm xây dựng và hoạt động, Hội không ngừng phát triển, luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Với phương châm “Đoàn kết-nghĩa tình-trách nhiệm-vì NNCĐDC”, đội ngũ cán bộ, hội viên luôn cố gắng vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Trung tướng Nguyễn Hữu Chính. 

Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC được tiến hành kiên trì, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và đạt được nhiều kết quả quan trọng; qua đó nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về thảm họa da cam, giúp đỡ nhiều hơn cả về vật chất, tinh thần, đồng thời yêu cầu Mỹ phải có trách nhiệm hơn nữa đối với NNCĐDC, cũng như việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ gây ra. Hội tiếp tục ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga (Việt kiều tại Pháp) kiện các công ty hóa chất đã sản xuất chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; kết hợp đấu tranh trong và ngoài tòa án bằng các hình thức phù hợp.

Công tác vận động nguồn lực trong nước và quốc tế chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong 20 năm (đến tháng 12-2023), toàn Hội đã vận động được hơn 4.049 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật), đã chi chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân hơn 4.023 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2024, đã vận động được hơn 348 tỷ đồng, đã chi chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân hơn 320 tỷ đồng. 

PV: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Hữu Chính: Thực hiện sứ mệnh cao cả là đấu tranh đòi công lý và chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC, Hội thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương; sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp; sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân; sự ủng hộ rộng rãi của nhân loại tiến bộ và bạn bè quốc tế. Uy tín, vị thế của Hội ngày càng được khẳng định và nâng cao ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, các cơ quan, đơn vị Quân đội... với trách nhiệm, nghĩa tình, luôn quan tâm, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả cho nạn nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức hội các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ. Bộ Quốc phòng đã tạo điều kiện về đất đai, hỗ trợ kinh phí để xây dựng, nâng cấp trụ sở Cơ quan Trung ương Hội và Trung tâm Bảo trợ xã hội; hỗ trợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là trên Tạp chí Da cam Việt Nam; tặng các phương tiện, trang thiết bị sinh hoạt, phục hồi chức năng, dạy nghề cho NNCĐDC...

Lãnh đạo Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Thành hội Cần Thơ thăm nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Cần Thơ (tháng 1-2024).  

Tuy nhiên, quá trình xây dựng, hoạt động, Hội cũng gặp một số khó khăn, như: Đội ngũ cán bộ hội hầu hết là cựu chiến binh, NNCĐDC, đến nay đã cao tuổi, sức khỏe giảm sút, lại chưa được hưởng chế độ thù lao, hỗ trợ kinh phí hoạt động, nhất là ở cấp huyện, xã nên ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ. Hiện còn không ít người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng không có đủ giấy tờ theo quy định, do vậy chưa được hưởng chính sách ưu đãi. Do khó khăn về kinh tế-xã hội nên công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân ở một số địa phương đạt kết quả chưa cao.

PV: Năm 2024 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, vậy Hội có các giải pháp gì để thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức và vận động nguồn lực giúp đỡ nạn nhân?

Trung tướng Nguyễn Hữu Chính: Các cấp hội tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”; Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22-8-2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương... Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền về thảm họa da cam và nỗ lực của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học, gắn với đẩy mạnh Phong trào “Hành động vì NNCĐDC Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Lãnh đạo Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tặng quà nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thừa Thiên Huế (tháng 1-2024). Ảnh: QUÂN QUANG 

Cùng với quan tâm củng cố, xây dựng Hội vững mạnh, chú trọng phát triển hội, chi hội ở những nơi có đủ điều kiện, tổ chức hội các cấp tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả các chương trình đã ký kết với các đối tác trong và ngoài nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ mới trong vận động nguồn lực. Đội ngũ cán bộ hội cần hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc hoàn cảnh của nạn nhân để hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp, hiệu quả.

Hội tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân, nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, vừa đấu tranh đòi công lý, vừa thu hút, vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân được nhiều hơn, mang tính bền vững hơn.

Hậu quả chất độc da cam/dioxin do Mỹ gây ra ở Việt Nam còn rất nặng nề và lâu dài, đến nay đã có những nạn nhân thế hệ thứ tư. Mặc dù được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, ban hành chính sách hỗ trợ, nhưng hầu hết nạn nhân và gia đình NNCĐDC còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nên rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau da cam.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

MINH DUY (thực hiện)

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...